DHS Hà Lan: Làm thế nào để cân bằng giữa học và làm thêm

Ai mà chẳng muốn đi du học chỉ tập trung hoàn toàn cho việc học tập mà không phải đi làm tốn sức. Tuy nhiên, không phải ai cũng là “con nhà có điều kiện”, hơn nữa nhiều bạn cũng muốn có một công việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới và kiếm thêm chút tiền để có thể thoải mái đi du lịch. Vì thế, phần lớn sinh viên quốc tế sau khi đã đến Hà Lan và quen với môi trường sống thì đều cố gắng tìm cho mình một công việc bán thời gian nho nhỏ. Nhưng dự án nhóm thì vẫn còn đó, bài tập và nội dung thuyết trình thì vẫn chờ bạn hoàn thành, lại thêm lo lắng về luận án tốt nghiệp, về nơi làm việc sau này.

Vậy làm thế nào để bạn có thể cân bằng áp lực học tập với trách nhiệm công việc khi mà quỹ thời gian của bạn bị hạn chế?  Đây là những kinh nghiệm mà tôi đúc kết được sau hơn nửa năm đi làm. Tất nhiên, những kinh nghiệm này chỉ mang tính tương đối vì không phải ai cũng có những trải nghiệm giống nhau, và còn tùy thuộc vào công việc bạn làm là gì.

Tip 1: Đừng nhận nhiều ca hơn sức bạn có thể chống đỡ

làm thêm ở hà lan

Ban đầu, tôi có thói quen nhận tất cả các ca làm mà tôi có thể sắp xếp được, cho rằng miễn là được trả lương thì những công sức bỏ ra, những xì trét mình chịu đựng đều là đáng. Tuy nhiên, sau một tháng làm việc điên cuồng với đủ loại áp lực đè nén, tôi nhận ra rằng dường như tôi dành hết thời gian cho công việc, bắt đầu bỏ bê việc học hành và không còn một chút thời gian vui chơi, giải trí nào ở Hà Lan (mà đây là lí do chính để bạn đến Hà Lan, không phải sao?). Vì thế chỉ nhận số lượng ca đúng theo những gì bạn có thể xử lý được, và hãy học cách nói “Không” khi boss “dụ dỗ” nhận thêm ca. Luôn nhớ rằng: bạn đến Hà Lan với mục đích chính là để làm gì và sức khỏe của bạn vẫn là quan trọng nhất.

Tip 2: Đừng có quá “thả phanh” trong ngày nghỉ

làm thêm ở hà lan

Thông thường sau khi nhận được tháng lương đầu tiên, bạn hay trong tâm thếmuốn tiêu xài thỏa thích và đi đây đi đó để bù lại cho những ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, bạn nên biết cách cân bằng giữa việc nghỉ ngơi và học hành bởi vì tâm lý xả hơi này rất có thể khiến bạn bị dồn ứ bài tập. Ví dụ, nếu bạn có ca buổi tối thì ít nhất bỏ ra một hai giờ để hoàn thành bài luận hoặc đọc bài báo yêu cầu trên lớp thay vì cày show trên Netflix, để bạn tránh rơi vào tình trạng xì trét khi deadline bắt đầu dồn dập gõ cửa. Nếu biết cách phân chia công việc hợp lý thì bạn có thể dễ dàng vượt qua những tuần khó khăn nhất mà vẫn khỏe re.

Tip 3: Nếu có thể, hãy tạo ra một cấu trúc cụ thể cho lịch làm việc của bạn

làm thêm ở hà lan

Không phải trường hợp nào cũng áp dụng được, nhưng nếu bạn có được một hợp đồng lao động không giờ (zero-hour contract, loại hợp đồng mà chủ thuê lao động không bắt buộc số giờ làm việc tối thiểu) và có thể đăng ký ca làm từ trước, hãy cố gắng lên lịch trình vào những ngày cố định trong tuần. Việc này sẽ giúp bạn lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ khác và chạy theo deadline dễ dàng hơn, và bạn có thể sắp xếp những công việc khác xung quanh lịch làm việc cố định này.

Đây là một vài kinh nghiệm tôi rút ra được sau thời gian làm việc ngắn ngủi. Còn bạn thì sao, nếu bạn có kinh nghiệm về làm thêm ở Hà Lan thì hãy cùng chia sẻ với The Tree nhé!

The Tree Academy