TIER 4 (GENERAL) VISA DÀNH CHO DU HỌC SINH ANH
Tier 4 (general) là visa dành cho các bạn du học sinh Anh, có độ tuổi từ 16 trở lên, có đủ trình độ tiếng Anh, được các trường đại học ở Anh xác nhận sẽ cung cấp khóa học và hoàn toàn có đủ tài chính để chi trả trong suốt quá trình học tập.
Trước khi bắt tay vào chuẩn bị cho một bộ hồ sơ xin visa du học tại Anh, các bạn hãy đảm bảo rằng mình đã thực hiện hết những bước sau:
- Chuẩn bị cho bản thân một khối lượng kiến thức tiếng Anh đồ sộ để sóng sót trong những ngày sắp tới
- Đã tham khảo và tìm hiểu rất nhiều về nước Anh từ cuộc sống, thành phố, văn hóa, chi phí…
- Đã kén chọn và “kết duyên” được với khóa học mơ ước được cung cấp bởi một trường đại học ở Anh
- Hoàn toàn tự tin rằng mình đã có đủ “lực” về tài chính
Nếu bạn hoàn toàn chắc chắn mình đã trải qua hết những bước trên, vậy thì mời bạn cùng bọn mình xắn tay vào chuẩn bị những thủ tục liên quan nhé. Để giúp cho các bạn không bị rối tung rối mù bởi đủ thứ các loại giấy tờ, The Tree Academy sẽ chia thành 4 loại hồ sơ như sau:
1. Hồ sơ Visa:
- Visa Tier 4 (General) Student Application Form
(Đây là bản in ra khi bạn đã đăng kí online phỏng vấn visa tại VFS. Bạn có thể xem thông tin chi tiết về Form Visa tại đây.) - Giấy hẹn phỏng vấn tại VFS
- Passport
2. Bộ hồ sơ học tập:
- Thư nhập học – CAS (Confirmation of Acceptance for Studies)
- Tất cả bảng điểm và bằng tốt nghiệp chính thức mà bạn đạt được gần đây nhất
- Chứng chỉ tiếng Anh quốc tếIELTS
3. Bộ hồ sơ tài chính:
- Sổ tiết kiệm
- Giấy xác nhận số dư
- Giấy chứng nhận thu nhập của ba mẹ
- Giấy tờ nhà đất
- Thư bảo lãnh của ba/mẹ
(Nếu ba/mẹ là người đứng tên sổ tiết kiệm và tài trợ tài chính cho bạn)
4. Bộ hồ sơ nhân thân:
- Sổ hộ Khẩu
- Giấy CMND hoặc passport của ba và mẹ
- Giấy Khai sinh
- Kết quả khám lao
Lưu ý:
- Những tập hồ sơ bằng tiếng Việt phải được dịch thuật và công chứng sang tiếng Anh.
- Số tiền trong sổ tiết kiệm được ước lượng trên tổng học phí và phí sinh hoạt ở Anh trong năm đầu tiên
- Ở trường hợp ba mẹ là người đứng tên sổ tiết kiệm thì phải có thêm giấy bão lãnh cho người được sử dụng sổ tiết kiệm.
- Phỏng vấn visa Anh không khó, chỉ cần bạn có sự chuẩn bị tốt và bình tĩnh. Những câu hỏi phỏng vấn visa Anh không lắc léo như Mỹ, bạn chỉ cần cho ĐSQ Anh thấy được mục đích bạn đến Anh học, bạn biết rõ ngành học và thành phố mà bạn đến.
- Ngoài phí đóng cho ĐSQ – 520 USD, bạn sẽ phải đóng thêm 92 USD phí cho VFS – Visa Facilitation Services (Tổ chức thương mại cung cấp dịch vụ hỗ trợ xin VISA). Bạn nên cập nhật thông tin này thường xuyên mức phí sẽ thay đổi hằng năm.
Nhìn chung, đó là tất cả các giấy tờ mà bạn cần phải chuẩn bị trước khi vào đại sự quán. Đối với các hồ sơ xin xét duyệt thị thực lưu trú tại Anh có thời hạn trên 6 tháng, đặc biệt là Visa Tier 4, các bạn sẽ phải hoàn tất thêm 2 thủ tục sau:
- Thanh toán phí IHS – Immigration Health Surcharge
Immigration Health Surcharge, hay còn gọi là IHS, có thể hiểu nôm na là phí bảo hiểm y tế. Chức năng của phí này là giúp bạn sử dụng các dịch vụ y tế miễn phí tại NHS (National Healthcare Service). Tuy nhiên, lưu ý là vẫn có một vài dịch vụ mà bạn cần phải trả tiền rồi mới được sử dụng như: đo mắt, khám nha khoa…Nhớ hỏi hoặc tìm hiểu kĩ trước khi dùng nha.
Lệ phí IHS là £150/12 tháng đối với sinh viên và bạn sẽ phải thanh toán online trong quá trình đăng kí xin thị thực Tier 4. Sau khi hoàn tất thanh toán, bạn sẽ được cấp “IHS reference number”.
- Thẻ lưu trú sinh trắc học – Biometric Residece Permit (BRP)
Theo thay đổi từ ngày 15.04.2015, những công dân thuộc các nước nằm ngoài khối EEA muốn lưu trú tại Anh trên 6 tháng sẽ bắt đầu được cấp thẻ lưu trú sinh trắc học BRP. Thẻ BRP sẽ bao gồm những nội dung sau:
- Tên, ngày tháng năm sinh của bạn
- Dấu vân tay và một tấm ảnh của bạn ( Đây là thông tin sinh trắc học)
- Thông tin về tình trạng và điều kiện lưu trú
- Bạn có quyền được sử dụng các dịch vụ và phúc lợi xã hội tại Anh hay không
Quá trình lấy thông tin sinh trắc học này của bạn (gồm chữ kí, dấu vân tay, ảnh điện tử) sẽ được diễn ra trước khi bạn vào phỏng vấn tại Lãnh sự quán và chỉ tốn khoảng 5 phút. Sau khi có kết quả phỏng vấn, bạn sẽ được dán một visa tạm thời có giá trị 30 ngày trong hộ chiếu, kèm theo đó là một lá thư với thông tin đầy đủ về thời hạn, địa chỉ bưu điện và cách thức để bạn nhận thẻ BRP tại Anh. Thời hạn để lấy thẻ BRP là 10 ngày sau khi bạn đã nhập cảnh.
Lưu ý:
- Do visa tạm thời của bạn sẽ chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận lại hộ chiếu, nên bạn cần phải tới Anh trong khoảng thời gian 30 ngày đó. Nếu không thể tới Anh trong khung thời gian này thì bạn buộc phải xin thị thực khác để thay thế.
- Khi nộp đơn xin thị thực, bạn sẽ được hỏi về mã vùng địa chỉ tại Anh. Điều này sẽ giúp xác định địa chỉ bưu điện mà bạn sẽ đến để lấy thẻ BRP. Phòng trường hợp bạn chưa tìm được chỗ ở tại Anh, bạn có thể cung cấp địa chỉ trường sẽ theo học.
- Bạn sẽ không mất thêm bất kì một khoảng phí nào cho việc xin cấp thẻ BRP
Chúc các bạn du học Anh vui vẻ và thành công nhé!