Trải nghiệm về chuyện du học của con cái

“Cá không ăn muối cá ươn”

Cuộc sống của du học sinh không phải lúc nào cũng màu hồng với những trải nghiệm phong phú, còn rất nhiều góc tối mà du học sinh và phụ huynh cần được biết trước khi dấn thân vào con đường du học.

Khi đứa con trai kiên quyết xin tiền để mua vé máy bay, quay về nhà, thì hai bậc sinh thành có cảm giác gần như tuyệt vọng.

Cả quá trình đầu tư cho con du học phút chốc tan. Chưa kể món tiền bỏ ra đã quá lớn, thời gian lo lắng suốt một năm cũng đã trải nghiệm, sự ám ảnh thất vọng nặng nề nhất là đứa con trai cao gần mét tám, đẹp trai kia sao không trụ nổi trên “nhung lụa” xứ người!
Sự chuẩn bị có gì không hoàn hảo?

Trải nghiệm về chuyện du học của con cái _ The Tree Academy
Source: Google

Đứa con trai từ nhỏ đã học ngoại ngữ giỏi, ham chơi thể thao và gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho tương lai con phải đi du học. Thời gian đầu trên Facebook cá nhân, cha mẹ hởi lòng hởi dạ với hình ảnh đứa con ở những thắng cảnh nổi tiếng trời Âu.

Nhưng ở đâu thì cũng chỉ có một mình, không bạn bè. Dần dần những tiếng kêu ca buồn chán bắt đầu xuất hiện. Không hòa nhập được với sinh viên quốc tế bởi cách sinh hoạt, học tập. Không có bạn bè người Việt. Học tập sa sút.

Những cuối tuần trở thành cực hình trong cô đơn. Đứa con cưng đã không trụ nổi trước những áp lực ban đầu khi rơi vào một môi trường xa lạ. Cha mẹ ngồi trầm tư hàng giờ, cố tìm xem đâu là lỗi hệ thống trong quá trình giáo dục con để đến mức vừa vào đời đã chuốc lấy thất bại?

Một gia đình khác cũng rất sốc khi đến thăm con gái du học ở Anh. Họ không tin vào mắt khi đứa con gái vừa rời khỏi vòng tay gia đình đã chìm vào một cuộc tình tuyệt vọng không lối thoát, đến mức bị trầm cảm nặng, không kham nổi việc học tập vốn đã nhiều khó khăn do cản trở ngoại ngữ. Không nỡ bỏ con lại xứ người, họ đành đưa con về nước để chữa bệnh trước khi quá muộn.

Rất nhiều trường hợp đã nuôi mộng cho con ra nước ngoài học tập, và hầu như việc chuẩn bị tích cực nhất chỉ là tài chính. Hai trường hợp nói trên chỉ là ví dụ đơn lẻ của hiện tượng hàng ngàn sinh viên Việt Nam đã phải lặng lẽ quay về nước sau một năm ra nước ngoài du học, vì không vượt qua được thời gian đầu của cuộc sống mới nhiều khó khăn.

Thật khó có đáp số cho tất cả người Việt trẻ ra nước ngoài sống và học tập. Còn nhớ một sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ, bị bạn cùng phòng trêu ghẹo, coi thường, đã phản ứng bằng cách dùng dao đe dọa. Câu chuyện kết thúc bằng thảm cảnh cậu du học sinh bị cảnh sát Mỹ bắn vì cho là “tình thế đe dọa nguy hiểm”.

Trải nghiệm về chuyện du học của con cái _ The Tree Academy_ 3
Source: Google

Một số đông du học sinh khác phải giấu giếm thực trạng họ không hòa nhập được với sinh viên bản xứ. Thậm chí, ngay tại Singapore, du học sinh cũng phản ánh họ thường bị cô lập, không vào được các nhóm để cùng học.

Tất cả là ở lối giáo dục từ gia đình đến nhà trường còn quá nhiều lỗ hổng. Chỉ đơn giản nhất là ở chung phòng trong ký túc xá, mâu thuẫn rất dễ xảy ra khi sinh viên Việt Nam còn chưa biết thực hiện hết những quy tắc về vệ sinh trong nhà bếp, nhà tắm và toa-lét.

Một điều tối thiểu là khi sống chung trong một phòng, nếu sử dụng ở chỗ nào, sau khi ra khỏi, thì nơi đó phải được dọn dẹp sạch sẽ. Đơn giản thế nhưng có mấy bạn trẻ làm nổi khi ở nhà là các cậu ấm cô chiêu luôn có người lo lắng cho từng miếng cơm, giấc ngủ.

Không được giáo dục đầy đủ ở nhà trường để có thêm khả năng chơi thể thao, sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng cũng cản trở khá nhiều sự hòa nhập ở nước ngoài.

Một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học tại Mỹ đã tìm được việc làm tốt tại công ty tài chính lớn có trụ sở trên Phố Wall của New York. Bạn trẻ này kể sự thành công trong học tập và có cuộc sống tốt ở xứ người là điểm tựa tinh thần rất lớn từ người mẹ ở Việt Nam.

Cậu kể: “Tám năm trời em sống tại Mỹ, ngày nào mẹ cũng nói chuyện với em một giờ, động viên, cùng nhau phân tích, giải quyết vấn đề mắc mứu em gặp phải ở bên này.

Em nhớ lúc bé, nếu ra ngoài đường ăn, có khi em chê phần thức ăn của mình, hôm ấy mẹ sẽ để em nhịn đói đến trường. Sự kỷ luật nghiêm khắc của gia đình giúp em sống thoải mái với kỷ luật của người Mỹ.

Em cảm ơn mẹ đã nỗ lực cho em theo đuổi âm nhạc từ nhỏ, đó là một điểm son khi em nộp hồ sơ vào trường kinh tế. Đến khi em gái du học, em lại thay mẹ uốn nắn cho nó nhanh trưởng thành”.

Ông bà đã đúc kết về chuyện giáo dục con: “Cá không ăn muối cá ươn”. Một nền giáo dục tốt không chỉ là những điều kiện tốt nhất phục vụ guồng máy thi cử khắc nghiệt, một nền giáo dục toàn diện về thể chất, sự phong phú tinh thần, với nếp sống có văn hóa sẽ giúp cho đứa trẻ dễ dàng vào đời ở nơi xa lạ.

Nguồn: Góc Nhìn Alan