Tôi đã tìm thấy mình như thế nào?

Bạn chẳng thể nào biết được điều gì sẽ đến với mình trong tương lai, phải chứ? Tôi sẽ chia sẻ cho bạn về câu chuyện của chính mình, con đường đã dẫn tôi đến ngành y và những sự việc vô tình xảy đến đã thay đổi cuộc đời tôi ra sao.

Những ngày cuối ở trường trung học, tôi đã quyết định mình phải nộp đơn vào một trường đại học dù thực sự, vẫn chưa biết nên nộp vào đâu hay nên học gì. Tôi viết ra 6 lựa chọn khác nhau lên giấy, đánh số cho chúng và tung xúc xắc để đưa ra quyết định cuối cùng. Con xúc xắc dừng lại ở số 2 – ngành y dược – và đó là điểm khởi đầu cho mọi chuyện.

Tôi kể câu chuyện xúc xắc này cho khá nhiều người quen, và rất ít trong số đó tin vào những điều ấy. Đơn giản vì tôi là tuýp người sẽ không bao giờ chọn xem một bộ phim mà bản thân không có tí thông tin gì về nó; sao tôi có thể để một viên xúc xắc đưa ra quyết định quan trọng cả đời như thế được cơ chứ?

Dĩ nhiên, câu chuyện về xúc xắc chỉ là một lời nói dối thôi haha. Trước khi nộp vào trường y, tôi đã dành không biết bao nhiêu thời gian để theo dõi, nghiền ngẫm những bài viết trên blog, những bài báo cáo và còn nhờ đến cả sự tư vấn từ bạn bè. Tôi suy xét gần như tất cả mọi khía cạnh. Dù vậy, với tôi chẳng bao nhiêu là đủ. Tôi chẳng thể tưởng tượng ra cuộc đời mình trông sẽ thế nào trong vai trò một bác sĩ, một nhà điều chế hay một vị chuyên gia nào đó. Việc lựa chọn nghề nghiệp, với tôi, giống như trò đặt cược vậy.

Tôi nhận ra chẳng còn con đường nào khác tốt hơn ngoài đi theo ngôi trường mà mình đã chọn. Sau tất cả, những suy nghĩ được làm công việc liên quan đến y học cũng đã đeo bám tâm trí tôi suốt một thời gian dài. Chẳng phải tôi nên cho bản thân một cơ hội với nghề này sao.

The Tree Academy_Medicine Student_ 4
Ngay cả những quyết định cẩn trọng cũng không thể xác định được con đường học vấn và nghề nghiệp của bạn.

Ở trường y, tôi dần hiểu hơn về cuộc sống của một chuyên viên y tế. Được tìm hiểu về triệu chứng và cách điều trị một căn bệnh nào đó kích thích sự tò mò của tôi nhiều hơn bao giờ hết. Sau vài lần trải nghiệm ở những môi trường mới, tôi cũng khám phá ra những điểm mạnh, yếu của mình. May mắn hơn, tôi nhận được không ít lời khuyên từ cha mẹ, và chính những điều đó đã góp phần không nhỏ cho sự trưởng thành của bản thân tôi.

Dĩ nhiên, không có gì là hoàn hảo. Cũng có vài điều, đôi lúc, khiến tôi phải nghi ngờ về sự lựa chọn nghề nghiệp của chính mình. Chẳng hạn, sau vài lần quan sát, tôi nhận ra những quyết định lâm sàng phụ thuộc quá nhiều vào các phác đồ điều trị và thuật toán, và chúng còn dựa trên quan điểm của một cá nhân nào đó. Ngoài ra, thời gian để các nhân viên y tế tương tác với bệnh nhân dường như bị giới hạn rất nhiều, và những cuộc đối thoại giữa họ thì cứ mãi một màu, không chút mới mẻ. Công việc đơn điệu như thế hoàn toàn trái ngược với những cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà tôi đã vẽ nên trong đầu trước đó.

Để tiếp tục giữ lửa trong lòng, tôi buộc mình trả lời 1 câu hỏi nhạy cảm mà trước nay chưa hề nghĩ đến: Tôi muốn làm gì trong lĩnh vực này?

Đáng buồn là tôi không thể tìm ra lời giải đáp. Tôi vẫn tiếp tục việc học của mình và chợt phát hiện ra những cơ hội mà mình chưa từng để ý đến. Trước hết, tôi bắt đầu với những cuộc hành trình xa xứ. Trong vòng 2 năm, tôi đã thực hiện 4 chuyến đi nước ngoài, dưới tư cách sinh viên y khoa, trong đó có 1 chuyến đi thực tế đến Uganda và 1 chương trình thực nghiệm nghiên cứu ở Mỹ. Bên cạnh những trải nghiệm cực kì tuyệt vời, điều mà tôi nhận lại là những ý tưởng mới mẻ và có được khoảng thời gian để tôi định hướng cho tương lai.

Trở về nhà, tôi quyết định tự nghiên cứu sau những tiết học ở trường. Tôi tò mò với những hình ảnh chẩn đoán thu được, và cũng phấn khích khi tìm ra lời giải đáp cụ thể cho những triệu chứng mà bệnh nhân mắc phải. Vô tình, tôi biết có một nhóm nghiên cứu đang cố gắng thực hiện một cuộc cách mạng hóa cho ngành Chẩn đoán học với việc sử dụng hình ảnh ghi được trong thời gian thực và các thiết bị vi mô mới (Lĩnh vực này còn được biết đến với cái tên Điện quang can thiệp). Tôi tìm cách liên lạc với trưởng nhóm và may mắn được mời đến để tìm thiểu thêm về công việc của họ.

Sau 2 tuần quan sát những thử nghiệm trực tiếp, tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi những phương pháp tiên tiến được tạo ra với mong muốn phát triển một quy trình chẩn đoán an toàn ít gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân trong quá trình xét nghiệm. Tôi cũng được truyền cảm hứng bởi những vị bác sĩ, vừa tham gia chữa trị vừa thực hiện công việc nghiên cứu cải tiến y học.

The Tree Academy_Medicine Student 1
To remain motivated, I had to answer the sensitive question that I had not previously addressed: what role, if any, do I want to have within this field?

Có vẻ lạ, khi mà cả Điện quang học hay Nghiên cứu đều không phải lĩnh vực mà tôi từng nghĩ đến khi bước chân vào ngôi trường này. Những điều tưởng chừng khiến tôi mất ngủ hằng tháng trời mà chẳng thấy đáp án, lại đột nhiên xuất hiện một cách bất ngờ như thế.

Hiện tại, khi đang ở năm cuối đại học, tôi không còn muốn đoán xem tương lai sẽ như thế nào nữa. Bởi dù là lựa chọn ưu tiên hay sở thích theo thời gian, cũng sẽ thay đổi một cách bất ngờ. Tôi chọn ngành y sau khi đã xem xét kĩ lưỡng mọi thứ, nhưng lại vẫn bỏ sót cơ hội và khó khăn mà tôi có thể phải đối mặt. Tôi tin rằng sự tò mò, hay đam mê, là một điểm khởi đầu cần thiết cho bất cứ công việc gì, nhưng một cái đầu cởi mở với tư duy tích cực thậm chí còn quan trọng hơn.

Suy nghĩ đúng đắn cộng thên một ít may mắn, thì ngay cả một tay chơi xúc xắc cũng có thể thành công.

Arvin Chireh

Arvin hiện tại là sinh viên năm cuối của Học viện Karolinska ở Thụy Điển. Ban đầu định hướng nghề nghiệp của anh là y khoa lâm sàng, nhưng dần dần anh chuyển hướng nhiều hơn sang nghiên cứu y khoa. Hiện tại, tham vọng của anh là có thể thực hiện cả 2 công việc: khám chữa bệnh và nghiên cứu.