Hãy tỉnh táo trước các bảng xếp hạng đại học thế giới!

Có lẽ bạn từng nghe đến bậc xếp hạng của trường Đại học mà mình đang quan tâm. Tuy nhiên, vị trí này có thể thay đổi theo năm, thậm chí “ngôi trường trong mơ” của bạn có khả năng giữ nhiều thứ bậc khác nhau trong cùng một niên học.

Đơn giản vì thế giới có nhiều hơn một bảng xếp hạng đại học và không có bảng xếp hạng nào được cho là danh giá nhất.

Hai “ông trùm” về xếp hạng đại học

Tăm tiếng nhất trong các bảng xếp hạng có lẽ là Xếp hạng các trường Đại học thế giới THE-QS (báo Times Higher Education và công ty Quacquarelli Symonds chuyên về vấn đề học tập, du học). Đến năm 2010, THE và QS đã ngừng hợp tác và bắt đầu cho ra những bảng xếp hạng mới là Xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới của Times và Xếp hạng các trường đại học thế giới QS. Hiện nay, đây là hai bảng xếp hạng được nhiều học sinh quan tâm theo dõi để đưa ra các lựa chọn trường đại học.

Nếu Times Higher Education đánh giá dựa trên 13 tiêu chuẩn, từ giảng dạy, nghiên cứu đến việc được nhắc đến trên tạp chí, tiềm năng quốc tế… thì QS lại được xem là bảng xếp hạng có độ phủ sóng rộng nhất thế giới với 2000 trường đại học (và có khả năng xếp hạng top 800 trường). Về tiêu chí đánh giá, QS cho phép bạn so sánh từ các trường đại học đến vùng miền địa lý, ngành học.

Hãy tỉnh táo trước các bảng xếp hạng đại học thế giới!
Hãy tỉnh táo trước các bảng xếp hạng đại học thế giới!

Các “giải thưởng phụ”

Ngoài hai xếp hạng tổng quan về trường đại học, THE và QS cũng có thêm một bảng xếp hạng có tiêu chí giống nhau là xếp hạng 100 Under 50 – nhằm đánh giá top 100 trường đại học có tuổi đời dưới 50 (được thành lập kể từ năm 1963 trở đi). Chưa hết, cả hai còn có những bảng xếp hạng “vũ khí riêng” của mình:

THE

·   Xếp hạng danh tiếng các trường đại học thế giới (World Reputation Rankings)

·   Xếp hạng các trường Đại học châu Á (Asia University Rankings)

·   Xếp hạng các nước trong khối BRIC và những nước có nền kinh tế mới nổi (BRIC & Emerging Economies Rankings)

QS

·   Xếp hạng các trường Đại học theo phân khoa (University Rankings: By Faculty)

·   Xếp hạng các trường Đại học châu Á (University Rankings: Asia)

·   Xếp hạng các trường Đại học châu Mỹ latin (University Rankings: Latin America)

·   Xếp hạng các trường Đại học theo ngành học (University Rankings: By Subject)

·   Xếp hạng các thành phố sinh viên tốt nhất thế giới (Best Student cities)

Những bảng xếp hạng khác

Tất nhiên trên thế giới còn có những bảng xếp hạng được giới chuyên gia quan tâm, điển hình như “Shanghai Ranking” (Bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải), xuất hiện từ năm 2003 với sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc. Bảng xếp hạng này được dựa trên những tiêu chí có giá trị về lâu về dài, chẳng hạn như số cựu sinh viên của trường đại học đã được nhận giải thưởng Nobel, hay số bài báo đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín (Nature và Science). Hay, bảng xếp hạng học thuật các trường ĐH trên thế giới (ARWU) ra đời với sự “chống lưng”của Trung tâm World-Class University và trường đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) cũng rất được quan tâm.

Những tên tuổi khác có thể kể tới là US.News & World Report, xếp hạng Vanguad College Rankings, hệ thống The Princetion Review… với các xếp hạng độc lập trong khuôn khổ bình chọn của trang web.

Nói về nhiều những xếp hạng khác nhau để khẳng định một điều là mỗi bảng xếp hạng sẽ có một tiêu chí đánh giá riêng. Vì vậy, “phong độ” của từng trường đại học có thể khác nhau tùy theo bảng xếp hạng. Cùng là xếp hạng có tên gọi các trường đại học thế giới (Workd university ranking) và diễn ra cùng năm 2013, nhưng kết quả của THE và QS lại khác nhau. Nếu ở THE, vị trí cao nhất thuộc về California Institute of Technology thì trường này lại chỉ ngồi ở vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng của QS. Trong khi đó, vị trí đầu tiên theo QS lại thuộc về Massachusetts Institute of Technology.

Thế nên, là đọc giả, bạn phải có cái nhìn tỉnh táo và tư duy phân tích, so sánh trước những bảng xếp hạng này. BIết là không có bảng xếp hạng nào tuyệt đối, để không nhất nhất nghe theo bất cứ một bảng xếp hạng nào cả. Quan trọng là bạn phải biết tìm đến cốt lõi của vấn đề mình quan tâm thay vì chỉ chăm chăm vào trường đại học.