Hãy đi, để không ngừng học hỏi

Ba tôi thường kể: ngày xưa đi lại khó khăn lắm; phần vì nghèo quá, cơm phải độn khoai mì, lấy đâu tiền mà đi đây đó; phần vì giặc giã, đi lại nguy hiểm; phần vì phương tiện đi lại không nhiều. Từ Phan Thiết, quê tôi, vào Sài Gòn, 200 cây số, mất hết 1 ngày đường.

Xe chạy bằng than, qua 5, 6 trạm kiểm soát, phải dỡ hết đồ đạc xuống để kiểm tra an ninh.

Hãy đi, để không ngừng học hỏi
Xe chạy bằng than

Khi dần lớn lên, nghe ba và các cô kể khổ hoài, tôi đâm ra cười giễu câu chuyện đi lại khó khăn, rồi quên béng nó đi. Thời chiến tranh đã qua đi từ bao giờ; mà thế hệ tôi thì lại chưa từng trải qua chiến tranh, chưa từng chứng kiến cảnh bom đạn, làm sao có thể hiểu được những câu chuyện đó?

Vậy mà trong một dịp đi tình nguyện tại Sri Lanka, làm một anh thầy giáo trẻ 20 tuổi, dạy một đám nhóc của làng Katana, cách thị trấn gần nhất 30 phút đi bus, tôi mới dần hiểu ra những câu chuyện của ba, của các cô.

Tiết học đầu tiên tôi bước vào lớp, các em ngơ ngác và bẽn lẽn vì lần đầu tiên được tiếp xúc với người nước ngoài, da ít ngâm hơn, mắt ít to hơn, nói một thứ ngôn ngữ mà các em không hiểu được. Đó là tiết học địa lí. Các em không hề biết đến một đất nước nào khác ngoài Sri Lanka và Ấn Độ (láng giềng duy nhất của Sri Lanka). Khái niệm Global Village của một thế giới phẳng đối với các em có nghĩa là: “Ngôi làng của mình là cả thế giới”. Tôi ước gì các em được đi nhiều hơn, để hiểu nhiều hơn, để biết rằng thế giới này quá rộng lớn.

Hãy đi, để không ngừng học hỏi
Hai bạn trẻ Sri Lanka

Tôi lại nhớ đến câu chuyện của ba và các cô. Tôi dần hiểu được những thiệt thòi của thế hệ trước khi suốt ngày chỉ có thể lo chạy giặc, đánh giặc. Thế giới của họ chỉ gói ghém trong xóm làng, ai may mắn hơn thì vượt được Trường Sơn, ra Bắc vào Nam.

Mỗi lần có cơ hội được đi nước ngoài, tôi vui lắm. Tôi biết mỗi lần tôi đi là mỗi lần tôi học. Những bài học không từ sách vở, mà từ con người, từ xã hôi xung quanh. Rất nhiều lần tình cờ quen được người chưa hề quen trước, chúng tôi kết bạn. Tôi hiểu thêm về bạn, đất nước bạn. Bạn hiểu thêm về tôi, về Việt Nam. Chúng tôi hiểu thêm về thế giới.

Mà tôi cũng lo lắm. Khi có cơ hội đi xa thì điều đầu tiên tôi lo là: đi như thế nào, ăn gì, ở đâu, văn hóa nước đó có khác không, tôi có gặp điều gì khó khăn (nên cũng rất thú vị) không? May mắn là tôi đều vượt qua, bằng sự hỗ trợ từ gia đình, và nhờ vào kinh nghiệm, sự cứng cỏi tôi tích lũy dần sau mỗi chuyến đi.

Cứ như thế, tôi đã đi được 15 nước, biết bao nhiêu bài học. Mỗi lần đi là mỗi lần tôi quý trọng cơ hội học hỏi mà không phải ai cũng có được…

Hãy đi, để không ngừng học hỏi.

The Tree Academy