FULBRIGHT: Kiên trì với giấc mơ và sự lựa chọn của bạn

Chỉ với cụm từ “Fulbright experience sharing” khi tìm kiếm trên Google, bạn có thể nhận được vô số kết quả những bài chia sẻ kinh nghiệm và hành trình đến với học bổng Fulbright danh giá từ các cựu Fulbrighter. Cũng như những bài viết ấy nhưng sống động hơn, chúng tớ – The Tree Academy đã mang đến các bạn chương trình “Story of a Fulbrighter – Ep.1” với khách mời Trương Đăng Khoa, một trong những chủ nhân mới nhất của Fulbright 2016, sinh viên tương lai của University of Illinois, Chicago chuyên ngành TESOL vào buổi hội thảo thứ 7 tuần thứ 3 của tháng 2, 2016.

Ở buổi trò chuyện ấy, chàng trai có giọng nói miền Tây ngọt ngào đến từ Đại học Cần Thơ đã chia sẽ rất nhiều về bản thân, cách làm đẹp hồ sơ, điểm nhấn ở bài luận, con đường đi đến học bổng, kinh nghiệm phỏng vấn và cả những lời động viên truyền cảm hứng gần gũi nhất. Bạn đã bỏ lỡ ngày hôm ấy? Không sao, tớ đã “ghi chú” lại đây rồi, hi vọng có thể giúp các bạn ít nhiều trên con đường chinh phục học bổng danh giá và đặt chân đến xứ sở cờ hoa với nền Giáo dục hàng đầu ấy nhé!

TheTreeAcademy_Right way to Fulbright_pe_1

HÃY KỂ CÂU CHUYỆN CỦA BẠN CHO FULBRIGHT

Nếu quan tâm đến Fulbright, hai bài luận “Study Objectives” và “Personal Statement” có lẽ chẳng còn xa lạ với bạn nữa. Hai bài luận này đóng một vai trò không hề nhỏ và được xem là yếu tố then chốt quyết định việc bạn có được lựa chọn vào vòng phỏng vấn của học bổng danh giá này không.

Tớ tin rằng, đã hơn 1 lần, bạn phải dừng ngòi bút, trăn trở suy nghĩ xem liệu bài luận của mình đã đủ hay chưa, đủ ấn tượng chưa hay cách dùng từ như thế này có ổn không? Vị khách mời Trương Đăng Khoa của chúng ta cũng vậy. Thậm chí anh còn lùi việc nộp hồ sơ cho Fulbright của mình tận 1 năm cốt chỉ để chuẩn bị tốt hơn và ấn tượng hơn cho bộ hồ sơ của mình.

Lời khuyên là:

  • Hãy có câu chuyện của chính bạn và câu chuyện này phải thể hiện được sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi con đường và giấc mơ mà bạn lựa chọn. Nếu câu chuyện của bạn có quá nhiều hướng rẽ, thì nó chẳng khác gì một bảng màu có nhiều màu sắc nhưng không màu nào nổi bật dành cho bạn.
  • Hãy kể lại câu chuyện cho Fulbright như cách bạn kể chuyện cho một người bạn. Chính vì vậy đừng viết quá “formal” nhé! Hãy thoải mái và tự nhiên.
  • Đừng sử dụng những từ vựng quá phức tạp hay trang trọng. Vì chính sự đơn giản trong câu từ sẽ khiến câu chuyện của bạn đi đến trái tim của những giám khảo Fulbright nhanh hơn.
  • Trong bài luận của mình, bạn cũng nên làm nổi bật tiêu chí mà học bổng Fulbright muốn hướng đến: đạt được mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa hai đất nước thông qua các hoạt động giáo dục và trao đổi văn hoá.
  • ĐỪNG bao giờ để hồ sơ của bạn có chữ “HOPE”. Thay vào đó, hãy dùng “BELIEVE” vì Fulbright không dành cho những ai chỉ mang hi vọng mà cho những người luôn giữ và nuôi dưỡng niềm tin trong lòng.
TheTreeAcademy_Right way to Fulbright_pe_2

TÌM NGƯỜI HIỂU BẠN

Ngoài 2 bài luận giới thiệu về bản thân và mục tiêu học tập, 3 thư giới thiệu (Recommendation Letter) từ những người xung quanh cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Điểm đặc biệt của Fulbright so với các học bổng khác là những lá thư giới thiệu này không nhất thiết phải được viết từ những người nổi tiếng trong ngành như giáo sư hay nhà nghiên cứu nào đó, mà họ có thể là giảng viên đã từng dạy bạn, hay từ những người cùng làm việc với bạn. Bạn có thể lựa chọn bất cứ ai, miễn là những người này phải hiểu con người của bạn, hiểu về con đường bạn lựa chọn và đồng cảm với những hoài bão của bạn. Khi nhờ ai đó viết thư giới thiệu, bạn nên nói rõ với họ về Fulbright và con đường bạn chọn để họ viết về bạn đầy đủ hơn!

VÒNG PHỎNG VẤN

Khi đã được chọn vào vòng phỏng vấn, cũng như bao lời khuyên từ các cựu Fulbrighter khác, bạn cứ mặc đồ sao cho lịch sự là được, không cần quá cầu kì. Hãy đọc lại những bài luận của mình, vì giám khảo sẽ đặt những câu hỏi dựa vào câu chuyên mà bạn đã kể để biết xem bạn có mâu thuẫn trong những câu chuyện ấy không, hay bạn có thực sự quyết tâm cho giấc mơ của mình không.

Hãy suy nghĩ trước một vài câu hỏi: liên quan đến bản thân bạn, đến những công việc mà bạn đã làm, dự định tương lai của bạn, hay lý do tại sao bạn lại chọn Mỹ và Fulbright. Nhớ chuẩn bị thật kỹ lưỡng nhé! Ngoài ra các giám khảo cũng sẽ đặt ra cho bạn một vài câu hỏi mang tính chất “hack não”, hay yêu cầu bạn làm những điều mà thậm chí bạn chưa từng dám thực hiện trong đời (Đừng vội lo lắng, giám khảo không nỡ yêu cầu bạn làm gì nguy hiểm đâu :P). Đây là cách mà người phỏng vấn dồn bạn đến chân tường để xem bạn có dám thể hiện bản thân không, có dám cho người khác thấy được con người bên trong bạn không và bạn có kiên quyết với giấc mơ của mình không.


Hi vọng những chia sẻ trên của chàng thầy giáo Trương Đăng Khoa mà The Tree Academy vừa tóm tắt lại sẽ phần nào giúp được các bạn đến gần hơn với Fulbright. Lời nhắn nhủ cuối cùng tới những ai đang nuôi dưỡng giấc mơ chạm tay vào học bổng danh giá Fulbright: Hãy luôn giữ niềm tin rằng bạn làm được. Nếu đã từng thất bại, chớ vội từ bỏ, hãy trở lại với Fulbright và cho họ thấy sự kiên quyết của bạn với giấc mơ của bản thân. Đừng e ngại vấn đề tuổi tác, “vì Fulbright đến 45 tuổi mới hết hạn nộp cơ”.

Địa chỉ: 19 đường 46, phường Thảo Điền, quận 2, Tp.HCM
SĐT: +84 90 336 12 87
Email: enquiries@thetreeacademy.edu.vn
Đăng ký tư vấn miễn phí: bit.ly/2JyOv1t

The Tree Academy