Education is worth spreading

“Education is worth spreading.”

Giá trị của giáo dục là sự lan tỏa, và đây cũng là điều mà những nhà giáo ở bất kì thời đại nào cũng tự dặn mình mỗi ngày lên lớp. Nhiều người trong số họ thậm chí còn chủ động mang lớp học của mình đến học trò xứ khác với tất cả sự rộng lượng.

Trong khoảng 20 năm ròng rã, Khổng Tử đã dẫn học trò bôn ba nhiều nước để truyền bá tư tưởng, giáo huấn của mình. Những công trình dạy học, soạn sách cũng là cách ông truyền thụ hiểu biết cho lớp học trò nước Lỗ và cả thế giới sau này. Với việc là người thầy đầu tiên tự thu nạp học trò, Khổng Tử đã tình cờ xóa bỏ được tư tưởng trường học là của nhà nước trước đó, giúp rút ngắn khoảng cách giáo dục với những người bình dân.

Và minh chứng cho sự lan truyền mạnh mẽ của tư tưởng giáo dục bình đẳng thời hiện đại, đó là việc Xã hội thi nhau xây dựng các thư viện lớn nhỏ, từ trường học đến khối phố và cả dưới những nóc nhà. Các lớp học tình thương do các bạn sinh viên thiện nguyện vẫn được tổ chức mỗi dịp hè về nơi vùng sâu vùng xa. Mỗi quốc gia hầu như đều áp dụng một mức phổ cập giáo dục rộng rãi cho công dân của mình, bất kể giới tính, khả năng hay hoàn cảnh gia đình. Phải nhấn mạnh vấn đề xuất thân, vì giáo dục (gồm cả trí dục, đức dục, thể dục) luôn là động lực trau dồi, cống hiến, giúp mỗi người vượt qua được nghịch cảnh ban đầu mà tìm thấy vị trí của mình trong Xã hội.

Ở bậc giáo dục sau THPT, nếu học phí vẫn là vấn đề ngăn cản bạn làm sinh viên những trường Đại học hàng đầu thế giới, thì Internet đã mang kiến thức từ các trường này đến gần với tầm với của bạn hơn. Chương trình Đại học cho tất cả mọi người, Coursera, hiện đã có hơn 5 triệu học viên đăng kí theo đuổi các khóa học của khoảng 100 trường hàng đầu thế giới (có cả những tên tuổi khổng lồ như Yale, HEC Paris hay Đại học Tokyo). Chỉ với 0 đồng, bạn có thể bồi dưỡng những kiến thức mà đôi khi còn chưa được giảng dạy ở các trường Đại học trong nước.

The Tree Academy _ Education is worth spreading_ Giáo dục
Education is worth spreading.

Đến giờ này, dù chưa một lần ra nước ngoài, nhưng có lẽ bạn đã từng nghe đến chương trình học bổng Erasmus. Ban đầu đây là chương trình hợp tác giáo dục của châu Âu, hàng năm hỗ trợ khoảng 200.000 sinh viên các nước thành viên được xê dịch sang nước bạn học tập và nghiên cứu. Tên của chương trình được đặt theo một học giả người Hà Lan, người đã rời phố cảng Rotterdam êm đềm để chu du khắp nơi dạy học và truyền bá tư tưởng – góp phần quan trọng vào sự tiến bộ của xã hội châu Âu thế kỷ 15-16.

Nếu học các ngành Xã hội, chính trị, quan hệ quốc tế ở nước ngoài, bạn sẽ được các thầy giáo khuyên tìm nghe những bài nói TED. Chương trình hội nghị được tổ chức rộng khắp thế giới này chính là chiếc cầu nối giữa những bậc thầy của mỗi lĩnh vực và tất cả mọi người. Từ Công nghệ, Giải trí và Thiết kế, ngày nay, nội dung của TED đã được nới rộng ra nhiều mối bận tâm khác là Kinh doanh, Nghệ thuật, các vấn đề toàn cầu… Giáo dục, từ lúc nào không chỉ được lan tỏa từ những người làm sư phạm.

Rồi những chương trình trao đổi, tình nguyện, thực tập sinh viên toàn cầu đang dành cho sinh viên Việt Nam nhiều cơ hội tham gia hơn bao giờ hết. Trên dòng thời gian được cập nhật mỗi ngày, luôn có một người bạn nào đó đang trải nghiệm một điều gì đó ở đâu đó trên thế giới này. Quý hơn hết là họ không trải nghiệm một cách âm thầm lặng lẽ. Tất cả những “tai nghe mắt thấy” ấy được kể lại qua những bức ảnh, từng lời nhận xét. Và mỗi người, từ tuổi đôi mươi, đã tự cho mình cơ hội trở thành một người thầy danh dự.

The Tree Academy rất thích một câu nói của đến tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (giảng viên Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, tác giả du ký “Tôi là một con lừa”). Có thể xem cô là điển hình của thế hệ những giáo viên hiện đại, sẵn sàng xin nghỉ việc để tham gia các dự án nghiên cứu của mình. Từng du hành theo dất vết di cư của loài người, từ châu Phi, qua châu Úc, châu Á rồi tới châu Mỹ, đồng thời cũng từng thực hiện chuyến đi tới 13 nước Trung Đông thời đỉnh cao của Mùa xuân Ả rập, cô dường như vẫn chưa hề mệt mỏi với những chuyến đi. Cô Phương Mai nói « Nghề của tôi là phải đi, không đi rêu bám đầy mình thì dạy cho ai nghe? »  Và với quan niệm giáo dục là không biên giới, những câu chuyện đường đi của cô đã được truyền tới giới trẻ khắp mọi miền rộng rãi qua trang web www.culturemove.com.

Không còn giới hạn biên giới. Những kiến thức cuộc đời đang chờ bạn ngoài kia, trên mỗi bước hành trình “du” và “học”.