8 thói quen tôi học được trong thời gian du học Hà Lan

Có một vấn đề khiến tôi luôn tò mò, đó là hành vi của con người sẽ bị ảnh hưởng như thế nào thông qua văn hóa và trải nghiệm cá nhân của họ tại một đất nước hoàn toàn mới mẻ. Họ sẽ học theo những thói quen nào của người bản địa? Họ học được điều gì có ích từ việc quan sát những người xung quanh? Sau một thời gian học tập, sinh sống tại Hà Lan, tôi nhận thấy mình cũng thay đổi dần dần và tôi đã học được rất nhiều thói quen có ích từ người Hà Lan, điển hình là 8 thói quen mà tôi sẽ đề cập chi tiết trong bài dưới đây.  văn hóa hà lan

1. Chiếc túi tote dùng để đi chợ hoặc shopping

văn hóa hà lan
Bạn có thể mua những chiếc túi tote này tại các siêu thị như Albert Heijn.

Đây là một thói quen bảo vệ môi trường dường như đã ăn sâu vào tiềm thức người Hà Lan trong các sinh hoạt thường nhật. Vì một chiếc túi ni lông thường có giá từ €0.10 đến €0.30 nên tất nhiên không ai muốn phải chi trả một khoản phí dư ra như vậy cả. Túi vải tote chính là giải pháp hữu ích, vừa bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng ni lông sử dụng, vừa tiết kiệm chi phí.

Đã có vài lần tôi ước gì mình có mang theo một chiếc khi đi mua sắm. Hầu như những lần đấy tôi toàn phải bước ra khỏi cửa hàng với ba lô bị nhét đầy các thứ, hai tay thì ôm cả núi hộp ngũ cốc, rồi phải xách 1 túi táo, đôi khi còn thêm mấy cuộn giấy vệ sinh.

Lời đề nghị của tôi: Bạn nên sở hữu cho mình vài chiếc túi tote  và luôn thủ sẵn một chiếc trong ba lô nhé. Ở đây, người ta hay dùng túi tote làm quà tặng trong các sự kiện lắm.

2. Thế chống chân lên mép vỉa hè

văn hóa hà lan
Một thói quen nho nhỏ thôi nhưng cũng rất đáng học hỏi!

Tôi hay dùng cụm từ “Curb Foot Stance” để nói về thế đứng của một người đi xe đạp khi họ dừng xe bên lề đường và chống chân lên rìa vỉa hè, như hình bên dưới đây.

“Phong cách” Curb Foot Stance “rất Hà Lan” này khiến cho việc dừng xe và đi tiếp đỡ phiền toái vì bạn không cần phải nhảy khỏi yên xe khi dừng lại nữa.

Có thể thấy, Curb Foot Stance không phải chỉ là nét riêng của người dân ở Wageningen. Ở Amsterdam, nơi tôi đang thực tập, mọi người cũng có thói quen thế. Bạn cũng nên thử đi, biết đâu việc này sẽ hữu ích cho việc đi lại của bạn.

3. Bữa trưa Hà Lan

văn hóa hà lan
Bạn có thể vào siêu thị và lên một menu cho bữa trưa của riêng mình.

Một điều tôi thích ở Hà Lan là mọi người không cầu kì hóa nhiều thứ, điển hình là việc ăn uống. Bạn sẽ thấy sinh viên hay ra vào các cửa hàng tạp phẩm hay siêu thị với các các loại nguyên liệu trên tay. Thông thường là: một gói thịt xông khói cắt lát, một hũ bơ đậu phộng, một hộp yogurt, sinh tố đóng hộp, nước cam tươi và một vài thứ tương tự.

Tại đây, ở Amsterdam, trong quá trình hoàn thành kỳ thực tập của mình, các anh chị đồng nghiệp của tôi thường rủ nhau đi siêu thị Albert Heijin và tự “chế” phần ăn trưa theo ý thích từ các thứ có thể kể đến như: 1 gói salad, 1 gói củ cải đường, phô mai sợi, 1 hũ olive ngâm, 1 hộp cá ngừ.

Nhiều khi quên mang theo bữa trưa, tôi cũng thường vào siêu thị mua các thành phần và “chế” ra phần ăn của mình theo cách đó. Phần ăn điển hình của tôi có thể bao gồm: bánh mì, hummus (một món ăn là từ gà, đậu cùng những thành phần khác), 1 gói salad và một hộp nước cam ép.

4. Uống nước từ vòi

văn hóa hà lan
Không cần phải đun nước, không cần phải mua nước đóng chai. Ban đầu bạn sẽ thấy lạ lẫm chưa quen do người Việt chúng ta đã luôn hình thành tư duy “nước chưa đun sôi = nước bẩn không thể uống”, nhưng dần bạn sẽ thấy được uống nước trực tiếp từ vòi thật tiện lợi và sảng khoái vô cùng.

Ở Việt Nam, bố mẹ tôi thường đun nước rồi dùng bình lọc nước rồi mới dám uống. Nhiều hộ quê tôi thì chuộng nước uống đóng bình vì tiện lợi hơn, khi cần chỉ việc gọi đến công ty giao nước và họ sẽ giao một lần mấy bình to đến tận nhà.

Lần đầu đến Hà Lan, theo kế hoạch là để tiết kiệm chi phí, tôi thử tìm dụng cụ lọc nước. Nếu bạn cũng đi tìm như tôi, bạn sẽ hiểu loại hàng hóa như thế rất hiếm trong các cửa hàng hay siêu thị ở đây. Tôi hầu như không thấy đồ lọc nước được bày bán. Tuy nhiên, thời gian đó tôi có để ý thấy mấy cô bạn người Hà Lan của tôi lấy nước từ các chậu nước hay vòi nước cho vào bình uống. Hồi tôi còn ở kí túc xá ở Haarweg cũng vậy, những bạn phòng khác trong cùng hành lang phòng tôi cũng uống nước trực tiếp từ vòi.

Đúng vậy, nước ở đây có thể uống thoải mái từ vòi nhé. Đảm bảo an toàn và hầu như không có vị gì đâu. Hà Lan (nhất là Amsterdam) có chất lượng nước sạch nhất nhì Châu Âu đó!

5. Lên kế hoạch chuyến đi chỉ với điện thoại

văn hóa hà lan
Reisplanner – một ứng dụng check lịch trình chuyến đi phổ biến tại Hà Lan.

Khác với bây giờ khi đã có ứng dụng đặt xe trên điện thoại, 8 năm trước lúc còn ở Việt Nam, tôi không mấy am hiểu hay sử dụng công nghệ để tìm hiểu thông tin. Giờ giấc các chuyến xe bus và trạm dừng ở đâu đều có thể hỏi những người xung quanh. Cùng lắm gọi 1080 hỏi cũng được trả lời nhiệt tình.

Cho đến hiện tại ở Hà Lan, phương tiện di chuyển tốt nhất giữa các thành phố vẫn là tàu lửa. Gợi ý của tôi là bạn có thể sử dụng app Reisplanner để thuận tiện cho việc theo dõi giờ giấc ra vào ga của tàu và lên kế hoạch cho các chuyến đi của mình. Một ứng dụng điện thoại khác rất đáng để thử là 9292, được sử dụng rộng rãi vì bao gồm cả thông tin giờ giấc, kế hoạch các chuyến đi của cả tàu lửa và các tuyến xe bus (khoảng này thì 9292 hơn hẳn Reisplanner).

Một ứng dụng phổ biến khác mà bạn có thể tham khảo là Buienradar. Vì thời tiết Hà Lan thất thường vào hầu hết mọi lúc nên việc có một app giúp theo dõi, đánh giá và dự đoán khả năng mưa vào các khung giờ rất cần thiết.

Khi đến những thành phố lớn như Rotterdam hay Amsterdam, sẽ rất bất tiện nếu bạn cứ phải vác xe đạp của mình lên xuống các chuyến tàu. Ngoài ra bạn cũng cần phải trả thêm tiền vé cho xe của mình. Từ lúc biết đến Mobike thì mọi thứ bắt đầu “dễ thở” hơn. Đây là một ứng dụng điện thoại vận hành theo kiểu cho thuê xe đạp, giống như dịch vụ cho thuê xe máy đi du lịch ở Đà Lạt hay những địa điểm du lịch khác ở Việt Nam. Chỉ khác là Mobike không cung cấp dịch vụ offline. Việc bạn cần làm là tải ứng dụng về, đặt cọc tối thiểu 5 EUR. Giá thuê là 0.5 cents cho mỗi nửa giờ và khi sử dụng xong, bạn chỉ cần dừng và khóa xe vào bên đường thôi.

Còn nữa, bạn có thể quản lý các tài khoản ngân hàng thông qua các ứng dụng điện thoại nhé. Việc bạn cần làm chỉ là search tên của các ngân hàng Hà Lan mà bạn đăng ký dịch vụ, ví dụ như ABNR, AMRO, ING, Rabobank

6. Chuẩn bị cho các cơn mưa, thời tiết xấu bất ngờ khi đi ra ngoài

văn hóa hà lan

Với kiểu thời tiết thất thường ở đây, cũng khó có thể tin được một ngày sẽ đầy nắng không mưa từ sáng đến tối. Cá nhân tôi thường mang theo áo ấm hoặc áo gió chống thấm khi phải di chuyển sang thành phố khác hoặc trong trường hợp ra ngoài gần như cả ngày.

Nhiều người bạn của tôi thủ sẵn dù (loại có thể gấp nhỏ và cho vào túi tote) nếu không muốn mang theo nhiều đồ đạc, tuy nhiên, tôi vẫn thấy không thuận tiện lắm nếu như bạn vừa đạp xe, vừa cầm dù. Chưa kể, đôi khi bạn còn phải đi trong giông gió nếu trời mưa nữa.

7. Tận hưởng những ngày nắng ấm

Khi mặt trời ló dạng sau những ngày lạnh giá, mưa gió, giông bão, bạn sẽ thấy mọi người ùa ra ngoài để tận hưởng cảm giác ấm áp mà ngày nắng mang lại. Hầu hết sẽ hướng đến những bãi cỏ trong công viên, đi cà phê ngoài trời hay đơn giản chỉ là đón nắng trên ban công nhà mình.

Khác với thành phố Hồ Chí Minh đầy nắng nóng và khói bụi, ngày nắng ở Hà Lan trong lành và được nhà nhà chào đón nhiệt tình.  

Lúc đạp xe vòng quanh Wageningen, tôi còn thấy vài người Hà Lan tập thể dục ngay trước cửa nhà mình để tranh thủ thời tiết đang đẹp.

Bây giờ tôi hoàn toàn không cảm thấy có gì xấu hổ khi thú nhận rằng tôi có sự trân quý đặc biệt đối với những tia nắng và luôn cố gắng tận hưởng triệt khi trời nắng đẹp. Trong đợt thực tập này ở Amsterdam, một ngày thời tiết đẹp có nắng ấm, tôi thường đi bộ trong các công viên, hay dạo vòng quanh các con phố nhỏ gần nhà.

8.Những vỏ chai bia tái chế

Trong một lần rời khỏi bữa tiệc ở Wageningen, tôi bắt gặp một vài bạn sinh viên đang thu nhặt vỏ chai bia cho vào các túi lớn. Hình ảnh đó tác động lên tâm trí tôi khi về nhà, từ đó tôi bắt đầu thói quen giữ lại các chai lọ có thể tái chế để đổi thành tiền.

Tùy theo loại chai, với mỗi chai bia thủy tinh thì bạn có thể được trả lại 0.10 cents và một số chai nhựa thì tầm €0.25. Bạn có thể tìm thấy dòng chữ “Statiegeld” (Gửi tiền) và đi kèm là giá của chai mà bạn sẽ được nhận. Chỉ cần mang những vỏ chai đã dùng trở lại cửa hàng mà bạn đã mua và họ sẽ trả tiền cho bạn.

The Tree Academy