Canada – Hành trình từ một “ngôi làng” đến một “cường quốc”

Nhà văn Charles Dickens mô tả Canada như một vùng đất của “cơ hội và triển vọng”. Và mấy thế kỷ nay, Canada là miền đất hứa đối với những di dân đủ mọi màu da, sắc tộc từ khắp nơi trên thế giới.

Vào kỷ băng hà cuối cùng, con người bắt đầu từ Siberia đi qua dải đất nổi giữa châu Á với Bắc Mỹ, sống du mục nay đây mai đó săn thú lấy thức ăn. Khi thời tiết ấm lên, băng tan ra – trong đó có tầng băng Laurentice bao phủ phần lớn diện tích Canada hiện nay – tạo điều kiện cho động vật và con người di chuyển tiếp xuống phía Nam và phía Đông, tiến gần đến trung lục địa Bắc Mỹ.

Người bản địa

Vùng cực Bắc có người Inuit, họ sinh sống ở nơi không có cây cối nên phải tạo ra những lều tuyết gọi là igloo làm chỗ ở.

The_Tree_Academy_Du_học_Canada_ Canada – Hành trình từ một “ngôi làng” đến một “cường quốc”
Người Inuit bản địa. Ảnh: pinterest

Người Inuit thường được nhắc tới với những dụng cụ săn bắn và nấu nướng đơn giản được làm từ những viên đá lửa, ngà hoặc xương – những gì còn lại từ những con hải cẩu, hải mã, cá voi và tuần lộc caribou mà họ săn làm thực phẩm cho mình. Họ cũng chế tạo ra nhiều công cụ săn bắn đặc biệt phù hợp với nhu cầu trong mỗi mùa, và nhiều thứ hiện vẫn còn được sử dụng đến tận ngày nay. Khoảng năm 1250, người Inuit đụng mặt những thợ săn Viking Bắc Âu tại khu vực nay là Newfoundland. Từ năm 1570 đến những năm 1850, nhiều đoàn thám hiểm châu Âu đi tìm Hành lang Tây Bắc cũng đã chạm trán những người tháo vát này.

Vùng bờ biển phía Tây giàu có trở thành nơi nuôi sống nhiều tộc người như Haidas, Tsimshian, Nootka, Coast Salish, Kwaikiutl, Bella Coola và Tlingit. Họ có thể thoải mái sống nhờ những sản vật của biển và rừng: cá hồi, cá voi, tuần lộc, gấu, hải ly, gỗ tuyết tùng đỏ quý giá… Với sự sung túc về nguồn thực phẩm và nguyên liệu xây dựng, những tộc người vùng ven biển phía Tây hoàn toàn có dư thời gian để sáng tạo.  Nhiều phong cách và kỹ thuật của họ đến nay vẫn còn được sử dụng, ghi nhận sự có mặt thường xuyên của các loại động vật, những sinh vật thần thoại có răng nanh dài và  những hình thù người kỳ lạ. Sự giàu có vật chất cùng khả năng thẩm mỹ của những nhóm  người này đã phát triển một mạng lưới buôn bán trao đổi qua lại – về sau trở nên rất quan trọng trong hệ thống buôn bán lông thú của Canada.

Sinh sống ở vùng đồng bằng rộng lớn là các nhóm Blackfoot, Cree, Ojibwa, Sarcee và Assiniboine – mỗi nhóm  có ngôn ngữ riêng nhưng gắn bó với nhau bởi sự phụ thuộc vào bò rừng. Họ săn bò rừng để lấy thịt, da và long. Sự phụ thuộc vào bò rừng đã “biến” những nhóm người đồng bằng này thành dân du mục sống trong những túp lều da gọi là teepee – vừa dễ tháo dựng, di chuyển mà lại ấm và đủ vững để chống lại những cơn gió mạnh.

Trước khi người da trắng xuất hiện, xã hội của các nhóm người này thường được tổ chức rất lỏng lẻo. Đứng đầu mỗi bộ tộc là một tộc trưởng, và khi nhiều bộ tộc hợp lại, một hội đồng tộc trưởng sẽ được lập ra, quyết định mọi vấn đề chung.

Các bộ tộc bán du cư miền rừng phía Đông có lẽ là những người bản địa được biết tới nhiều nhất ở Canada, chỉ sau người Inuit. Trong số này, người Huron hòa hiếu, người Iroquois hiếu chiến còn người Algonquin tương đối trung lập. Như những nhóm người bản địa khác, văn hóa và cuộc sống của những người này cũng dựa trên việc khai thác môi trường sống của mình. Họ lựa chọn nơi cư trú trên bốn tiêu chuẩn cơ bản: gần nguồn nước, gần rừng để lấy gỗ, gần nơi đất đai màu mỡ để canh tác, và là vị trí chiến lược có thể phòng thủ. Trước khi người châu Âu xuất hiện, hạt giống của một đế chế đã được người Iroquois gieo lên: họ đã phát triển một hệ thống tiền tệ thống nhất để điều hòa buôn bán, và đã biết tổ chức liên minh chống lại kẻ thù.

Sự xuất hiện của người châu Âu

Những bằng chứng khảo cổ cho thấy khoảng thế kỷ 11, một khu định cư đã được nhà thám hiểm Viking, Leif Ericsson, thành lập trên một hòn đảo thuộc vùng Newfoundland, nhưng nó chỉ tồn tại được vài năm; và suốt nhiều thế kỷ sau, có rất ít cuộc thám hiểm của những người châu Âu đến lục địa này. Phải đến ây trở nên khả thi nhờ những cải tiến quan trọng trong ngành đóng tàu, sau khám phá của Christopher Columbus, thì tin tức về vùng đất mới rộng lớn và giàu có mới lan truyền ở cựu lục địa, thu hút nhiều nhà thám hiểm, trong đó có John Cabot.

The_Tree_Academy_Du_học_Canada_ Canada – Hành trình từ một “ngôi làng” đến một “cường quốc”
Ảnh: Google

Năm 1497, John Cabot là người đầu tiên “chính thức” phát hiện ra đảo Cape Breton, Canada và dâng lên cho vua Anh quốc. Nhà thám hiểm đinh ninh rằng mình đã tới được bờ biển Đông Bắc Á mà nếu đi xa hơn nữa, ông sẽ đến xứ sở của lụa là và đá quý. Thế nhưng ông chẳng tìm thấy gì ngoài những con sông đầy ắp cá và những cánh rừng bạt ngàn. Những cuộc thám hiểm tiếp theo vẫn được thực hiện chủ yếu với mục đích tìm vàng nên người da đỏ vẫn được yên ổn, cho đến kh i những người Pháp xuất hiện. Một trong số đó là Jacques Cartier, người theo lệnh vua Pháp Francois I đi thám hiểm lục địa Bắc Mỹ năm 1534.

Chuyến thám hiểm của Cartier khai mào cuộc đối đầu giữa Anh và Pháp nhằm kiểm soát những vùng đất mới. Cartier là người châu Âu đầu tiên đặt chân lên vùng nội địa Canada bằng cách ngược dòng St. Lawrence, đến được hai làng của người Iroquois là Hochelaga và Stadacona (những địa điểm sau này hai thành phố Montral và Québec được xây dựng lên).

Trong con mắt đế quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha… những người đang khao khát tìm đến phương Đông lụa là châu báu, thì Canada lạnh lẽo và hoang vu chẳng có chút ấn tượng nào. Tuy nhiên, với những ai dám mạo  hiểm thì vùng đất này đã cho thấy ngay lập tức những tiềm năng kinh tế và chinh phục.

Thuộc địa mới ra đời

Pháp chiếm ưu thế trong thời gian đầu cuộc tranh giành quyền kiểm soát lục địa mới. Nhưng trong khi các nhà thám hiểm và nhà buôn lông thú Pháp mở rộng đất đai vào sâu bên trong vùng Bắc Mỹ thì các thuộc địa của Anh cũng tăng trưởng dọc theo bờ biển Đại Tây Dương.

Theo thời gian, cùng với những khó khăn gặp phải trong việc duy trì sự kiểm soát của mình thì chính quyền Tân Pháp quốc cũng đội nhiên nhận thấy áp lực từ nhiều phía xung quanh, mà đặc biệt là liên minh Anh – Iroquois và sự bành trướng của công ty Hudson’s Bay.

Thù địch gia tăng dẫn đên hàng loạt cuộc chiến tranh kéo dài từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18 giữa Anh và Pháp. Năm 1759 đánh dấu sự kết thúc của Tân Pháp quốc với việc thành phố Québec thất thủ. Năm 1763, Pháp nhượng lại lãnh thổ của mình ở Bắc Mỹ cho anh thông qua Hiệp ước Paris.

Một cường quốc

1812, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Anh ở Bắc Mỹ ngày càng lớn nhưng cuộc chiến nhanh chóng bị chặn lại bởi một lực lượng liên minh nhiều thành phần: binh lính Anh, binh lính Canada gốc Pháp, những nhà buôn lông thú, người bản địa, và cả những người Bảo hoàng ở Thượng Canada – nay đã không còn là người Mỹ mà là người Canada – nhằm bảo vệ đất đai và tài sản đang bị đe dọa của mình.

Sau chiến tranh, rất nhiều người di dân từ châu Âu, mà đặc biệt là từ Anh đến định cư tại Canada. Những tranh cãi giữa cộng đồng nói tiếng Anh và cộng đồng nói tiếng Pháp thật sự đ8ạt ra yêu cầu phải có một hình thức liên minh mới: Liên bang. Năm 1866, khi Hoa Kỳ chấm dứt Hiệp ước Đặc quyền, các tỉnh ven biển phía Đông vốn có tư tưởng trung thành địa phương mạnh  mẽ buộc phải tìm đường giao thương mới cho mình và quyết định gia nhập Liên bang. Năm 1867, cùng với sự gia nhập của Nova Scotia và New Brunswick, đất nước Canada hiện đại hình thành.

The_Tree_Academy_Du_học_Canada_ Canada – Hành trình từ một “ngôi làng” đến một “cường quốc”
Canada ngày nay. Ảnh: pinterest

Để tiếp tục nền kinh tế và sản xuất đang phát triển của mình, Canada cần thu hút một số lượng dân di cư đến. Chính sách nhập cư ban đầu của Canada ưu tiên cho những người Anglo-Saxon, tuy nhiên dòng người này là không đủ, các vùng phía Tây vẫn quá trống trải. Gần  30 năm sau khi hình thành, Wilfrid Laurier, vị thủ tướng Canada gốc Pháp, đã đề xướng kế hoạch thu hút cả những người châu Âu khác đến định cư. Sự thay đổi này góp phần làm tăng ảnh hưởng của Canada trong các vấn đề liên quan đến các nước khác. Nỗ lực này tiếp tục được duy trì, và dưới sự lãnh đạo của Robert Borden, Canada tham gia Thế chiến I để hỗ trợ Anh và quân Đồng minh. Sau khi chiến tranh kết thúc, ABorden giành được cho Canada quyền ký Hiệp ước Versailles (1919) và tham gia vào Hội Quốc liên (Leagues of Nations – tiền thân của Liên Hiệp quốc). Canada cuối cùng đã thật sự tìm được vị trí của mình trên bản đồ thế giới.

Cuộc đại suy thoái năm 1930 có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Canada cho đến khi nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nỗ lực tham chiến lần này rất đáng kể: sự hội nhập, tham gia của các hệ thống đầu tư và buôn bán của Canada vào hệ thống Bắc Mỹ cũng đưa đến những mức phát triển mới cho “Chính sách quốc gia” của Sir John A. Macdonald, vốn được dùng để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của miền Trung Canada thông qua khai thác tài nguyên. Và kết quả đạt được là sự thịn vượng ngoạn mục của toàn lục địa. Năm 1949, Canada chào đón tỉnh thứ 10 gia nhập vào liên bang: Newfoundland. Năm 1999, Nunavut trở thành vùng lãnh thổ thứ ba của Canada sau một loạt những cuộc thương lượng với chính quyền liên bang.

Bộ mặt Canada bắt đầu thay đổi cùng với việc dân số tăng đến 50% trong khoảng năm 1946-1961, trong đó có phần không nhỏ từ di dân. Trong thế kỷ 20, Canada trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới phóng thành công vệ tinh vào vũ trụ và là quốc gia đầu tiên sử dụng vệ tinh quỹ đạo trong ngành công nghiệp phát thanh truyền hình.

Bước vào thế kỷ 21, Canada từ một “ngôi làng” đã trở thành một quốc gia đón nhiều lượt di dân, nhận được nhiều sự tôn trọng và được xếp là một trong những nước có ảnh hưởng lớn nhất thế giới.