Những điều sinh viên cần biết khi làm việc thêm tại Hà Lan

Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài hiếm khi nào chỉ đi học mà không có một công việc làm thêm. Dù công việc làm thêm sẽ không bù được hết học phí cho bạn nhưng cũng giúp bạn trang trải được phần nào sinh hoạt phí và tạo thêm kinh nghiệm làm việc trong xã hội cho bạn. Nếu bạn đang muốn tìm việc làm thêm tại Hà Lan, hãy đọc qua bài viết này  và note lại những điều mình cần lưu ý nhé!

du học Hà Lan

Xin giấy phép lao động

Sinh viên Việt Nam nói riêng và các nước ngoài khối EU nói chung sẽ có một số hạn chế nếu muốn có một công việc song song với việc học của bạn. Bạn cần có giấy phép lao động (work permit) và chỉ có thể làm việc tối đa 16 giờ một tuần. Sinh viên có thể làm việc toàn thời gian trong những tháng mùa hè của tháng 6, tháng 7 và tháng 8.Nhà tuyển dụng của bạn sẽ đứng ra nộp đơn xin giấy phép lao động cho bạn. Tổ chức phát hành giấy phép lao động ở Hà Lan được gọi là UWV.

Những trường hợp ngoại lệ :

Nếu bạn đang học tại một trường ở Hà Lan và bạn cần phải thực tập hưởng lương (internship) như một phần trong chương trình học của bạn, bạn không cần giấy phép lao động. Trường của bạn và nhà tuyển dụng sẽ ký một thỏa thuận thực tập cho bạn.

Kể từ tháng Tư năm 2017, tất cả sinh viên quốc tế có thể làm việc tự làm chủ (self-employed) không giới hạn số giờ, ngoài việc học và việc làm bán thời gian (tối đa 16 giờ một tuần). Học sinh không cần phải xin giấy phép lao động với UWV để thực hiện công việc tự làm chủ. Tuy nhiên, họ phải đăng ký với Phòng Thương mại Hà Lan (Kamer van Koophandel).

Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế cộng đồng của Hà Lan được gọi là basiczorgverzekering. Luật pháp Hà Lan yêu cầu tất cả mọi người  có tư cách cư trú hoặc nhân viên  làm việc tại Hà Lan phải có bảo hiểm y tếcộng đồng của Hà Lan. Học sinh đến Hà Lan chỉ với mục đích học tập không cần phải có bảo hiểm y tế công cộng. Tuy nhiên, nếu sinh viênbắt đầu một công việc bán thời gian, sinh viên phải có bảo hiểm y tế công cộng vì lúc bấy giờ sinh viên còn đóng vai trò là một nhân viên. Điều này áp dụng bất kể dù bạn làm việc bao nhiêu giờ mỗi tuần.

Số an sinh xã hội

Số an sinh xã hội (Social Security Number) BSN là viết tắt của Burger Service Nummer, tạm dịch là ‘số dịch vụ công dân’. BSN tương đương với số an sinh xã hội: số đăng ký duy nhất cho mọi công dân, được sử dụng trong danh bạ với bất kỳ dịch vụ nào của chính phủ.

Nhiều cá nhân và tổ chức có thể yêu cầu được biết BSN của bạn. Nếu bạn có việc làm, nhà tuyển dụng của bạn sẽ cần phải biết BSN của bạn. Các công ty bảo hiểm cũng có thể yêu cầu số BSN của bạn. Khi đăng ký với chính quyền địa phương  của thành phố bạn đang sinh sống, bạn sẽ tự động được cấp BSN. Tòa thị chính địa phương của thành phố sẽ gửi cho bạn một lá thư để xác nhận tất cả các thông tin cá nhân được liệt kê trong đơn của bạn.

Tuân thủ luật lệ khi làm thêm tại Hà Lan

Một số sinh viên tìm việc làm thông qua các kênh không chính thức, nơi người sử dụng lao động không trả tiền thuế cho chính phủ. Tiền lương cho các công việc như vậy thường cao hơn so với các công việc bình thường, nhưng bạn nên nhận ra rằng chuyện đó là bất hợp pháp, đồng thời có nghĩa là bạn không có bất cứ quyền cơ bản nào của nhân viên. Hơn nữa, bạn sẽ không được bảo hiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn liên quan đến công việc.

Bạn cũng nên lưu ý rằng nếu bạn cần giấy phép lao động và chủ lao động của bạn cho phép bạn làm việc mà không có giấy phép, người đó sẽ bị phạt một số tiền lớn trong trường hợp bị phát hiện và bạn có thể bị tước giấy phép lưu trú (visa) của mình. Vì thế hãy chú ý và đừng để những cái lợi nhỏ trước mắt làm lung lay mục tiêu lớn lâu dài của bạn nhé!

Địa chỉ: 19 đường 46, phường Thảo Điền, quận 2, Tp.HCM
SĐT: +84 90 336 12 87
Email: enquiries@thetreeacademy.edu.vn
Đăng ký tư vấn miễn phí: https://goo.gl/fiq2CJ

The Tree Academy


Có thể bạn quan tâm: