Vai trò của accordéon trong âm nhạc Pháp

Không phải ai cũng biết nhiều về nhạc Pháp. So với nhạc US-UK, nhạc Pháp đương đại có phần lép vế hơn về độ phổ biến trên toàn thế giới. Người ta thường nhắc tới nữ danh ca Édith Piaf, nhóm nhạc điện tử Daft Punk, các nhà soạn nhạc cổ điển như Satie, Debussy và Bizet là những cá nhân nổi bật mang nhạc Pháp đến khán giả quốc tế.  đàn accordéon

đàn accordéon

Tuy vậy, đã bao giờ bạn nghe một bản nhạc mà giai điệu của nó khiến bạn liên tưởng ngay tới nước Pháp chưa? Đó thường là những bản nhạc valse không lời, giai điệu nhẹ nhàng, êm ái như đưa người nghe vào một quán cà phê nhỏ bên bờ sông Seine. Bạn đã bao giờ tự hỏi, yếu tố gì làm những bản nhạc đó mang đậm chất Pháp như vậy, mặc dù bạn không biết nhiều về nhạc Pháp? Câu trả lời nằm ở một nhạc cụ lạ mà quen: accordéon (phong cầm).

Thực chất, accordéon không chỉ phổ biến trong nhạc Pháp mà nó đóng vai trò quan trọng trong âm nhạc dân gian của Châu Âu. Một điều hết sức thú vị là đàn accordéon có nguồn gốc từ một loại nhạc cụ lâu đời của Trung Quốc gọi là Sheng (https://www.youtube.com/watch?v=66xu3kn3Jc4). Các phiên bản sớm nhất của accordéon xuất hiện ở Áo vào thế kỷ 19, cho đến khi mẫu thông dụng nhất được tạo ra ở Italy vào năm 1853. Ban đầu, nó bị coi là một phiên bản nghèo nàn của piano và bị bỏ qua bởi giới nhạc cổ điển. Accordéon chỉ trở nên nổi tiếng khắp Châu Âu sau khi được sử dụng trong thể loại nhạc dance dân dã.

Tại Bắc Mỹ, accordéon chỉ phổ biến trong âm nhạc của vùng Québec, Canada. Trái lại, bạn có thể tìm thấy dấu ấn của accordéon trên khắp Châu Âu, từ nhạc pop của Ireland, nhạc tarantella của Ý đến nhạc klezmer của người Do Thái Đông Âu. Accordéon cũng đã dần tiến vào các nước Mỹ Latin, hiện diện trong nhạc tejano ở Mexico, nhạc vallenato ở Colombia và nhạc tango của Argentina. Ngay cả các nước Bắc Phi và Trung Đông cũng đã đón nhận loại nhạc cụ từng một thời bị coi thường này.

Image result for accordion mexico
Accordéon diatonique – một biến thể accordéon dùng nút bấm thay vì bàn phím.

Quay trở lại với nước Pháp, accordéon đã trở thành một biểu tượng trong âm nhạc Pháp. Sự phổ biến của accordéon bắt nguồn từ “bal musette” – một thể loại nhạc khiêu vũ bình dân rất được ưa chuộng vào cuối thế kỷ 19. Những bữa tiệc thường được tổ chức bên bờ sông Seine hoặc sông Marne dọc quanh Paris, trong những quán rượu nhỏ gọi là “guinguettes”. Tại đây, người dân sẽ vừa nhảy nhót theo những giai điệu của paso musette, tango musette và valse musette, vừa được phục vụ đồ ăn và rượu với giá phải chăng.

đàn accordéon
Bal Musette A Montmartre – ‘Một buổi tiệc ở Montmartre’ của Gulay Berryman

Sang đến thế kỷ 20, nhạc accordéon càng trở nên phổ biến. Những bài biểu diễn kì công được tạo ra và diễn xung quanh đồi Montmartre và không thể không nhắc tới các em bé lang thang ở Paris (poulbots) cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc phổ biến loại nhạc này. Đàn accordéon khá nhỏ gọn, tiện lợi, dễ cầm trên tay nên là nhạc cụ yêu thích của các nghệ sĩ đường phố.

Vào giai đoạn giữa hai Thế Chiến, accordéon trở thành nhạc cụ quan trọng trong thể loại nhạc chanson và jazz manouche. Bản nhạc accordéon nổi tiếng nhất thể loại chanson có lẽ là Vesoul, thể hiện bởi nghệ sĩ Jacques Brel năm 1968. Bài hát này thực chất mang ý nghĩa châm biếm khôi hài, nói về một anh chàng sợ vợ, sẵn sàng nghe lời vợ đi khắp mọi nơi nhưng anh ta thề sẽ không bao giờ đến Paris bởi anh ta không thể chịu nổi tiếng accordéon.

? Jacques Brel – Vesoul (1968)

Cũng vào những năm 60, accordion đã bị giới trẻ Pháp “bỏ rơi” vì họ cho rằng thể loại nhạc này chỉ dành cho người già và người nhà quê. Chiếc đàn từng một thời làm mưa làm gió bỗng trở thành quá vãng. Cho đến tận năm 1990 người ta mới lại khám phá sức hút của accordion và bắt đầu sử dụng nó trong các bài hát pop rock, tạo thành một xu hướng gọi là “nouvelle chanson française”. Nhà soạn nhạc Yann Tiersen đã sử dụng accordion cho soundtrack của bộ phim nổi tiếng Le Fabuleux Destin d’Amélie Poulain, đóng góp không nhỏ vào làn sóng hồi sinh của accordion trong âm nhạc đương đại.

? Les Innocents – L’autre Finistère (1992)

? Amélie soundtrack – La Noyée

The Tree Academy