lợi ích du học lợi ích du học lợi ích du học lợi ích du học
Mọi người vẫn dùng những lời cảm thán cao siêu để nói về giá trị của việc du học. Phổ biến nhất, được xếp hạng từ cao tới thấp là “được tiếp cận nền giáo dục tân tiến nhất thế giới”, “sở hữu những tấm bằng uy tín” và “việc làm lương cao sau khi ra trường”.
Hãy nói trước hết về kĩ năng học tập. Ở bất kì trang web của trường Đại học nào trên thế giới, bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những tuyên bố đại loại là “khi theo đuổi chương trình học của chúng tôi, bạn sẽ có được những kĩ năng thiết yếu để hành nghề sau này”. Đúng vậy, một trong những điều mà nhà tuyển dụng quan tâm chính là các kĩ năng bạn đã rút ra được từ trường Đại học. Dù bạn học Y Dược, Kỹ thuật hay Nhân văn, Báo chí thì cũng cần đến một số kĩ năng nhất định dưới đây. Nổi trội nhất có lẽ là kĩ năng tổng hợp và phân tích thông tin.
Bất cứ môn học nào cũng có nhiều đầu sách tham khảo và nhiệm vụ của bạn tất nhiên không phải là học thuộc lòng mà phải làm sao nắm được những nội dung quan trọng. Bạn sẽ phải nghe giảng để ghi chép lại các dẫn chứng, tham khảo bài giảng trực tuyến và đọc sách để tự ôn tập.
Bên cạnh đó, kĩ năng thuyết trình cũng vô cùng quan trọng. Từ ngành Tài chính ngân hàng đến Ngữ văn Anh, đặc biệt là ngành Truyền thông, các thầy cô đều khá chuộng hình thức đánh giá năng lực này. Bạn có thể sẽ phải thuyết trình cá nhân, thuyết trình theo đôi hay theo nhóm. Kết quả bài thuyết trình sẽ được dựa trên nhiều yếu tố: nội dung bài nói, tác phong trình bày và cả khả năng tranh luận và thuyết phục người nghe. Tất nhiên là bạn cũng cần phải có kĩ năng tổ chức, kĩ năng quản lí thời gian, kĩ năng giải quyết rủi ro, kĩ năng tập trung… để có thể mang lại kết quả tốt nhất.
Học ở một môi trường gần như hoàn toàn minh bạch, sẽ không có chuyện học giả lấy bằng thật. Bạn sẽ phải có đủ quyết tâm và khả năng để khẳng định thực lực của chính mình. Đối với những kì thi trắc nghiệm, thật khó “đánh loto” bởi rủi ro làm sai của bạn lên tới 75%. Còn với những môn học giáo viên yêu cầu viết luận thì rõ ràng bạn sẽ phải tự mình bắt tay làm. Ở trường The Hague University of Applied Sciences (Hà Lan), sinh viên được yêu cầu phải nộp bài qua chương trình chống đạo văn Ephorus, rồi sau đó mới được gửi cho giáo viên.
Sống trong hoàn cảnh xa nhà, bạn tự nhiên sẽ phải trách nhiệm hơn với chính mình. Có thể khi còn ở nhà bạn sẽ không phải đụng tay vào công việc nhà, nhưng ở nước ngoài, bạn sẽ là người duy nhất phải giải quyết những vấn đề đó. Bạn sẽ phải tự thay bóng đèn, tự nấu ăn, tự đi chợ, tự giặt ủ, tự dọn dẹp phòng ốc… và tự xử lí cả những hóa đơn điện nước mỗi tháng.
Những trải nghiệm này chắc chắn sẽ khiến bạn có cái nhìn khác hẳn về cách chi tiêu. Sẽ ít có những buổi la cà quán xá hơn, khâu giải trí cũng sẽ được giới hạn lại cho những dịp đặc biệt. Chính từ trong những hoàn cảnh như vậy mà bạn sẽ dần hình thành phong cách sống độc lập, sòng phẳng và có trách nhiệm với bản thân hơn.
Du học cũng đồng nghĩa với những tình thế rắc rối mà bạn phải tự thân xoay xở. Và từ chính những trải nghiệm đó mà bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn trong đời sống. Nếu là một người thường xuyên đi làm thêm về khuya, bạn sẽ phải tự học cách bảo vệ bản thân. Những khi trở trời, bạn sẽ phải biết ăn mặc phù hợp với thời tiết để giữ gìn sức khỏe. Chỉ những ai xa nhà mới biết được cảm giác tủi thân kinh khủng những khi đau ốm không người thân kề cạnh. Hơn nữa, nếu ngã bệnh, bạn sẽ phải nghỉ học, nghỉ làm thêm và còn… tốn rất nhiều tiền khám bác sĩ nữa!
Sống trong một môi trường đa văn hóa, bạn tự nhiên sẽ có tư duy cởi mở và dần dà bắt kịp phong cách sống văn minh. Sẽ phải sẵn sàng nói “xin lỗi” mỗi cú va quẹt, biết nhận trách nhiệm về mình từ những lỗi nhỏ nhặt nhất, và biết nói “cám ơn” để bày tỏ sự biết ơn của mình khi nhận một điều tốt lành từ ai đó. Từ biết cách “sống chung” những khác biệt về màu da, ngôn ngữ, văn hóa với bạn bè quốc tế, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trên hành trình bước ra thế giới của mình.