Học quản lý thể thao

Ngành công nghiệp thể thao đang phát triển theo xu hướng tích cực, người ta ngày càng quan tâm hơn đến thể thao và nhu cầu tuyển dụng cũng tăng cao. Ngành quản lý thể thao (sport management) dần lên ngôi, vậy tại sao bạn không thử xem xét theo đuổi ngành học mới lạ này?

The Tree Academy _ Học quản lý thể thao
Học Sport Management

NGÀNH HỌC NÀY CÓ PHÙ HỢP VỚI BẠN?

Bạn có yêu thích ngành công nghiệp giải trí hay mong muốn làm việc với nhiều người? Nếu vậy thì Quản lí thể thao và giải trí là ngành học rất phù hợp với bạn.Trong suốt khóa học, bạn sẽ không chỉ được học các môn chuyên ngành, mà còn được bồi dưỡng kiến thức của các lĩnh vực như kinh doanh hay tài chính, để phát triển năng lực quản lí của bản thân.Với đặc thù của ngành học, sinh viên sẽ được khuyến khích tham gia các chương trình thực tập song song với chương trình học, nhằm có được những hiểu biết về nhu cầu thực tế của khách hàng.

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Đa số sinh viên chọn ngành học này đều gắn bó với ngành công nghiệp thể thao và giải trí đến cuối cùng. Đa số sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm tại các trung tâm giải trí, trung tâm thể thao thể hình hay trung tâm thẩm mỹ.Với những kiến thức về dịch vụ, họ cũng có thể đảm nhiệm công việc quan hệ khách hàng, marketing hay thậm chí là ở các bộ phận quảng cáo của doanh nghiệp.

Ngành du lịch cũng là “bãi đáp” của phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành học này.Nếu muốn chuyển hướng nghề nghiệp, họ cũng có thể học thêm các chứng chỉ giáo viên, chứng chỉ huấn luyện để nắm giữ những vai trò quản lí tại các câu lạc bộ, trường học.Tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố du lịch, bạn có thể tìm đến các sở ban ngành xúc tiến du lịch hay các công ty tổ chức sự kiện để xin việc. Các resort lớn đa số đều có bộ phận thể thao và giải trí riêng để phục vụ khách lưu trú, trong khi đó thành phố thường có nhiều hoạt động để thu hút khách du lịch.

ĐIỀU KIỆN TUYỂN SINH

Có rất nhiều khóa học Quản lí thể thao và giải trí cho bạn tha hồ lựa chọn, phù thuộc vào cấp độ và cấu trúc chương trình bạn muốn theo học. Ở bậc Cử nhân, ứng viên phải có ít nhất 3 chứng chỉ A-level hoặc kinh nghiệm làm việc cho phép họ được nhận vào học. Trong khi đó, ứng viên bậc Sau Cử nhân phải có bằng Đại học loại 2:1 (loại thứ hai từ trên xuống theo hệ thống giáo dục Anh, tương đương bằng khá ở Việt Nam). Tất nhiên yếu tố ngôn ngữ cũng vô cùng quan trọng. Hầu hết các trường Đại học tại Anh chỉ nhận các ứng viên đạt IELTS từ 6.0 đến 6.5 trở lên, nhưng tất nhiên mỗi trường sẽ có mức yêu cầu khác nhau.

HỌC Ở ĐÂU?

Khi chọn trường, bạn nên lưu ý về danh tiếng của nhà trường và mối quan hệ của trường với các doanh nghiệp vì thực tế đã có rất nhiều công ty tuyển dụng sinh viên ngay khi họ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Để lọt vào tầm ngắm của các nhà tuyển dụng, bạn có thể xin thực tập trong quá trình học để tạo được ấn tượng trước khi xin việc.

Hai vấn đề về chi phí và điều kiện tuyển sinh cũng khá quan trọng, trong đó, về học bổng, bạn có thể tìm đến các chương trình hỗ trợ của nhà trường.Tất nhiên môi trường học tập cũng quan trọng vì nó quyết định lớn đến động lực học hành của bạn. Hãy tìm tới những trường Đại học có nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị dành cho sinh viên, hoặc những thành phố có văn hóa cởi mở với sinh viên nước ngoài. Cách tốt nhất để có được thông tin về trường là tham gia vào các buổi hội thảo giới thiệu trường, đến dự Ngày hội cửa mở (Open day) hay hỏi các sinh viên đi trước.