Bảo hiểm xã hội cho du học sinh Pháp

Bảo hiểm xã hội Bảo hiểm xã hội

Chính phủ Pháp dành ngân sách rất lớn cho y tế. Mọi công dân của Pháp đều được hưởng lợi từ chính sách này. Không chỉ có vậy, sinh viên nước ngoài theo học một khóa đào tạo dài hơn 3 tháng trong một cơ sở giảng dạy được cấp phép cũng được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế tương tự như sinh viên Pháp. Đăng kí bảo hiểm y tế là một trong những việc ưu tiên hàng đầu mà bạn phải làm ngay khi đặt chân đến nước Pháp. Nếu không có nó, bạn phải chi trả số tiền rất lớn nếu chẳng may bị bệnh.

Đăng ký Bảo hiểm xã hội ở Pháp

Bảo hiểm xã hội trả tiền cho một phần chi phí chăm sóc y tế của bạn (khám bác sĩ, mua thuốc, v.v…). Bạn bắt buộc phải đăng ký bảo hiểm xã hội.

Kể từ năm học 2018-2019, hệ thống bảo hiểm xã hội sinh viên có một số thay đổi. Bắt đầu từ năm học này, tất cả các sinh viên không thuộc châu Âu sẽ theo chế độ bảo hiểm xã hội chung. Điều đó có nghĩa là gì ?

Nếu bạn là sinh viên không thuộc châu Âu, đã ghi danh ở Pháp năm học 2017-2018

  • Vào đầu năm học 2018
    Bạn không cần phải làm bất cứ thủ tục nào : vẫn giữ nguyên chế độ bảo hiểm cũ. Bảo hiểm của bạn vẫn sẽ được quản lý bởi cùng công ty bảo hiểm sinh viên mà bạn đã đăng ký lúc ghi danh vào trường năm 2017. Bạn không có cơ hội đổi công ty trong năm 2018-2019.
  • Vào đầu năm học 2019
    Bạn không cần phải làm bất cứ thủ tục nào : bảo hiểm của bạn sẽ tự động được chuyển sang chế độ chung của bảo hiểm xã hội Pháp.

Nếu bạn là sinh viên ngoài châu Âu, đến Pháp vào đầu năm học 2018 hay muộn hơn

Bạn sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội của Pháp với VLS-TS (Thị thực dài hạn sinh viên có giá trị như thẻ cư trú).

Đầu tiên, bạn cần phải :

  • Xác nhận visa với OFII
  • Trả phí CVEC 90€ cho CROUS ở trường bạn học (phí đóng góp xây dựng môi trường học tập và đời sống sinh viên)
  • Ghi danh vào trường Đại học của bạn (làm thủ tục hành chính)

Ngay sau đó, bạn phải đăng ký vào chế độ chung của bảo hiểm xã hội Pháp.


? Đăng ký miễn phí trực tuyến trên trang web của bảo hiểm y tế cho sinh viên quốc tế : www.etudiant-etranger.ameli.fr

Khi hoàn tất việc đăng ký , bạn có thể yêu cầu xin thẻ bảo hiểm (carte vitale). Bạn sẽ xuất trình thẻ này để khỏi phải trả trước chi phí khi đi khám bác sĩ hay đi mua thuốc.

bảo hiểm xã hội
Từ vựng:
•  Sécurité sociale (Bảo hiểm xã hội) : cơ quan chi trả một phần chi phí chăm sóc sức khoẻ – BẮT BUỘC
•  Complémentaire santé (Bảo hiểm y tế bổ sung): chi trả một số chi phí nhất định – TỰ NGUYỆN

Làm thế nào để hoàn trả các chi phí y tế

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bổ sung (mutuelle – nếu bạn có đăng ký bảo hiểm này) sẽ hoàn trả các chi phí y tế của bạn. Để theo dõi các khoản hoàn trả của bạn và biết thêm thông tin, hãy tạo tài khoản trên trang web www.ameli.fr

bảo hiểm xã hội

Để khỏi phảitrả trước phí, bạn phải xuất trình thẻ bảo hiểm (carte vitale). Nếu bạn vẫn chưa có thẻ này, hãy yêu cầu bác sĩ hoặc dược sĩ điền một phiếu feuille de soin (một dạng hoá đơn y tế). Sau đó, bạn sẽ gửi phiếu này đến CPAM (Quỹ bảo hiểm y tế cấp 1) và đến công ty bảo hiểm bổ sung (nếu bạn có đăng ký loại này).

Đăng ký bảo hiểm bổ sung (mutuelle)

Do Quỹ bảo hiểm y tế cấp 1 (CPAM) chỉ chi trả trung bình 60% chi phí khám chữa bệnh do đó bạn có thể mua thêm bảo hiểm y tế bổ sung để chi trả cho phần còn lại. Việc mua bảo hiểm này là hoàn toàn tự nguyện chứ không bắt buộc nhưng được khuyến khích.

Bạn có thể vào trang web Mutuelle land để có thêm nhiều lựa chọn cho bảo hiểm y tế bổ sung (Mutuelle santé). Đây là công cụ so sánh miễn phí bảo hiểm y tế của hầu hết các hãng bảo hiểm lớn trên thị trường sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất. Bạn nhớ lưu ý đọc kĩ báo giá, các điều khoản đi kèm trước khi quyết định nhé.

Bạn có thể đăng ký bảo hiểm này tại các:

  • Công ty chuyên về bảo hiểm bổ sung cho sinh viên
  • Công ty bảo hiểm
  • Ngân hàng

Sau khi khai báo thông tin thì họ sẽ gửi báo giá để bạn tham khảo. Trang web này cũng có báo giá cho bảo hiểm dành cho chó mèo (Mutuelle chiens & chats). Nếu thú cưng của bạn thường xuyên ốm vặt thì cũng nên mua cho nó một bảo hiểm để đỡ chi phí khám bệnh

Lời khuyên cho bạn: Hãy chắc chắn rằng loại bảo hiểm bổ sung mà bạn chọn có bao gồm bảo hiểm dân sự (dans la version française, c’est l’assurance civile?) khi bạn đi học và trong cuộc sống cá nhân của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn được bảo hiểm ở nơi học lẫn nơi thực tập.

Sử dụng bảo hiểm xã hội ở Pháp

Đi khám bác sĩ

Ở Pháp có 2 loại bác sĩ : bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn bị bệnh, bạn phải đến khám một bác sĩ đa khoa và sau đó nếu cần thiết, họ sẽ giới thiệu cho bạn một bác sĩ chuyên khoa.

Trong một số trường hợp, bạn có thể trực tiếp đến khám bác sĩ chuyên khoa mà không cần có giới thiệu của bác sĩ đa khoa. Các bác sĩ chuyên khoa mà bạn có thể trực tiếp đi khám, không cần phải thông qua bác sĩ đa khoa bao gồm: bác sĩ phụ khoa, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý chuyên về hệ thần kinh, nha sĩ, các bác sĩ mà bạn đã có lịch hẹn để theo dõi và kiểm tra, các bác sĩ cần gặp trong trường hợp khẩn cấp.

Đi khám bác sĩ đa khoa thường sẽ phải trả 25€ (médecin conventionné secteur 1 – bác sĩ theo diện 1), đôi khi còn đắt hơn nữa (médecin conventionné secteur 2 – bác sĩ theo diện 2 khám theo yêu cầu). Số tiền khám 25€ sẽ được hoàn trả phần lớn bởi bảo hiểm xã hội.

Tiền khám bác sĩ chuyên khoa sẽ dao động từ 25€ đến 150€ tuỳ loại bệnh. Một phần của phí khám bệnh sẽ được hoàn trả bởi bảo hiểm xã hội. Nếu bạn có thêm bảo hiểm bổ sung, bạn sẽ có thể được hoàn trả toàn bộ chi phí.

Bác sĩ điều trị

Ở Pháp, bạn phải chọn một bác sĩ điều trị và thông báo về bác sĩ này cho quỹ bảo hiểm y tế của bạn. Bác sĩ điều trị sẽ đảm bảo theo dõi bệnh lý cho bạn : đây là bác sĩ tư vấn riêng của bạn.

Bạn có thể thông báo trực tuyến về bác sĩ điều trị của mình. Để hoàn tất các thủ tục y tế một cách dễ dàng, bạn nên tạo tài khoản trên trang web ameli.fr. Bạn và bác sĩ của mình cũng có thể cùng điền và ký vào một mẫu đơn.

Làm thế nào để tìm bác sĩ

Bạn cần đăng kí trước một bác sĩ điều trị để khi có bệnh, bạn sẽ liên hệ để đặt lịch hẹn khám bệnh cũng như bạn phải khai báo trên tài khoản ameli. Bạn có thể lên hai trang web sau để tìm bác sĩ :  doctolib hoặc  annuairesante.ameliSau khi tìm được bác sĩ điều trị rồi, nếu bác sĩ đồng ý, bạn và bác sĩ sẽ cùng kí một mẫu đơn và nộp cho bảo hiểm. Bạn còn có thể biết được bác sĩ bạn chọn có thể nói được những ngôn ngữ nào.

Bạn cũng có thể tìm bác sĩ trên danh bạ của trang pages jaunes, bằng cách nhập vào ô tìm kiếm “médecin généraliste” và nhập mã bưu điện hành chính của thành phố nơi bạn ở. Hoặc nếu không, trường bạn cũng có thể đề xuất cho bạn một danh sách các bác sĩ.

Đơn thuốc

Sau khi khám bệnh xong, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn. Trên đơn này sẽ bao gồm các loại thuốc mà bạn phải mua ở hiệu thuốc hay bao gồm những thủ tục kiểm tra sức khoẻ mà bạn cần phải thực hiện. Bảo hiểm xã hội sinh viên sẽ chi trả một phần những chi phí trên. Tuy nhiên bạn có thể được hoàn trả toàn bộ chi phí (hoặc gần như toàn bộ) nếu đăng ký bảo hiểm bổ sung.

Hãy chú ý ! Nếu bạn vẫn chưa có thẻ bảo hiểm (carte vitale), đừng quên yêu cầu bác sĩ điền vào fiche de soin (hoá đơn y tế) cho bạn sau khi khám. Sau đó, hãy gửi đến trung tâm bảo hiểm xã hội của bạn để được hoàn tiền !

Đi mua thuốc

Thông thường, tất cả các hiệu thuốc đều mở từ 9h – 10 sáng cho đến 19h tối, trừ thứ 7 (đôi khi chỉ mở cửa buổi sáng), chủ nhật và các ngày lễ.

Vào chủ nhật và các ngày lễ, có ít nhất một hiệu thuốc còn mở ở mỗi thành phố : đó là các pharmacie de garde (những hiệu thuốc mở suốt đêm, chủ nhật và ngày lễ, phục vụ những trường hợp khẩn cấp). Bạn có thể tìm ở đây hiệu pharmacie de garde gần bạn nhất !

Ở Pháp, hầu hết bạn chỉ được mua các loại thuốc được kê trong toa. Do vậy, cần đi khám bác sĩ để được mua những loại thuốc cần thiết. Những thuốc bạn được phép mua mà không cần bác sĩ kê đơn thường để trị những triệu chứng phổ biến như : đau đầu, cảm cúm, sốt, v.v…

Làm gì trong trường hợp cấp cứu

Kể cả khi bạn không được bảo hiểm, bạn không có tiền trong người hay thẻ căn cước, nếu bạn đang trong tình trạng có vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ , đừng chần chừ mà hãy đến ngay các phòng cấp cứu !

Phòng cấp cứu nằm trong bệnh viện. Nếu bạn không thể tự đi được, hay không gọi được taxi, hãy liên hệ ngay với SAMU (dịch vụ trợ giúp y tế khẩn cấp)!

Các đường dây nóng cấp cứu ở Pháp

Số điện thoại cấp cứu châu Âu112
SAMU15
Cảnh sát17
Cứu hoả18
Cấp cứu y tế0 825 812 822
Các trung tâm kiểm soát chất độc3624

Theo Campus France

Địa chỉ: 19 đường 46, phường Thảo Điền, quận 2, Tp.HCM
SĐT: +84 90 336 12 87
Email: enquiries@thetreeacademy.edu.vn

The Tree Academy